Tạo nên những 'từ khóa' trong môn Lịch sử để giúp học sinh hiểu bài tốt hơn

Hoàng Vinh | 26/05/2022, 06:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cái khó nhất khi học Lịch sử là việc ghi nhớ sự kiện. Vì vậy, giáo viên phải sáng tạo, linh hoạt phương pháp dạy học để giúp học sinh nhớ lâu, đồng thời rút ra những 'từ khóa' để các em có thể làm bài tốt hơn.

Các em học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ tham gia tìm hiểu lịch sử và văn hóa địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng. Các em học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ tham gia tìm hiểu lịch sử và văn hóa địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng.

“Thủ thuật” làm bài trong môn Lịch sử

Cô Đinh Thị Dương, giáo viên Lịch sử (Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, ở cấp THPT các trường phân luồng học sinh theo định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, qua nhiều năm, lượng học sinh của trường chọn nghề nghiệp và thi các khối liên quan đến môn Lịch sử cao, chiếm đến 2/3 lượng học sinh trong trường.

“Vì Lịch sử là môn học rất đặc biệt, gắn liền với nhiều sự kiện, nhiều ngày tháng. Đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Cho nên dẫn đến nhiều học sinh “ngại” học môn học này. Tuy nhiên, với bản thân tôi cũng như các giáo viên dạy Lịch sử phải linh hoạt thay đổi, có “kỹ thuật riêng” để thu hút học sinh học Lịch sử”, cô Dương chia sẻ.

Theo cô Dương, hiện cô vẫn đang dạy phụ đạo môn Lịch sử cho các em học sinh tại trường. Cái khó nhất khi học Lịch sử là việc ghi nhớ sự kiện. Bởi sự kiện liên quan đến ngày, tháng, năm học sinh rất dễ nhầm lẫn. Riêng trong môn Lịch sử thì được chia theo từng chương, từng giai đoạn cụ thể.

Chính vì vậy, giáo viên phải sáng tạo, linh hoạt phương pháp giảng dạy học để giúp học sinh nhớ nhanh và nhớ lâu. Từ đó, các em mới thuận lợi khi phân tích, tái hiện lại sự kiện.

Để học sinh ghi nhớ nhanh kiến thức môn Lịch sử, mỗi bài dạy cô Dương sẽ đưa ra một ví dụ về sự kiện gần gũi với học sinh.

“Ví dụ, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, giai đoạn này sẽ cần nhớ những sự kiện gì và sự kiện nào là trọng tâm tác động. Từ đó, rút ra cho các em học sinh những “từ khóa” để các em có thể làm bài”, cô Dương cho biết.

Những buổi ngoại khóa để giúp các em học sinh hiểu và yêu thích môn học Lịch sử.

Theo cô Dương, những năm gần đây, môn Lịch sử chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, chính vì vậy phải có “thủ thuật riêng” để học sinh ghi nhớ lâu hơn, dễ kiếm điểm hơn trong bài thi.

“Cụ thể, phân theo từng giai đoạn, mốc sự kiện lịch sử, chiến dịch nào có đặc trưng gì để chúng ta so sánh với các chiến dịch khác. Tương tự, cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, ví dụ những chiến dịch của Mỹ ở Việt Nam và vùng nào là vùng trọng tâm, đặc điểm nổi bậc là gì để chúng ta "xoáy" vào trọng tâm đó. Như vậy học sinh sẽ dễ nhớ hơn”, cô Dương bật mí.

Đối với những sự kiện khác, cô Dương sẽ liên hệ, lồng ghép với những hoạt động cụ thể, không cần phải học thuộc lòng như bấy lâu nay mà học sinh vẫn áp dụng. Nhờ vậy, học sinh dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ kiến thức.

Do điều kiện ở xa thành phố nên việc tổ chức đi thực tế ở các bảo tàng vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, hàng năm trường vẫn tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa ở Bảo tàng Quân khu 5, các điểm di tích lịch sử nhằm cho các em hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương...

“Bên cạnh đó, các giáo viên cũng áp dụng công nghệ thông tin để chiếu phim tư liệu, làm hiệu ứng các chiến dịch để bổ trợ cho môn học, giúp các em tiếp thu bài tốt hơn”, cô Dương thông tin.

Áp dụng công nghệ thông tin khi dạy môn Lịch sử

Thầy Phan Văn Khải – Tổ trưởng Tổ Sử - Địa – GD Công dân, Trường THPT Phan Thành Tài (huyện Hòa Vang) cho hay, môn Lịch sử sẽ không phải khô khan nếu giáo viên có phương pháp dạy học hấp dẫn, phát huy tính tích cực của học sinh.

Để thu hút học sinh thì trong quá trình giảng dạy giáo viên cần chú trọng đầu tư các nguồn tư liệu lịch sử hữu ích, lôi cuốn như phim ảnh, câu chuyện lịch sử và liên hệ thực tế...

Theo Thầy Khải, những năm gần đây, môn Lịch sử luôn “nóng” trên các diễn đàn thông tin sau mỗi kỳ thi vì kết quả khá thấp.

“Mỗi môn có một đặc trưng riêng, chính vì thế giáo viên phải có phương pháp dạy và cách thức truyền đạt để người học tiếp cận bộ môn một cách phù hợp.

Để tạo cho học sinh đam mê với bộ môn, ngoài kiến thức chuyên sâu, giáo viên cần trang bị các phương pháp hiện đại kết hợp với truyền thống. Riêng đối với môn Lịch sử, nếu không truyền đạt bài học một cách có hệ thống, rời rạc thì học sinh sẽ rất khó hiểu”, thầy Khải nói.

Thầy Khải nói tiếp: “Trong mức độ đề thi thường đi theo từ thấp đến cao, từ nhận biết, hiểu rồi mới vận dụng. Chính vì vậy, dạy học Lịch sử không đơn thuần là cho học sinh biết Sử mà quan trọng hơn là hiểu Sử, từ đó người dạy cần định hướng để cho người học tích cực trong tư duy lịch sử một cách khoa học, tránh truyền đạt một chiều”.

Thầy Khải cũng cho ví dụ rằng: khi dạy Lịch sử thế giới trong giai đoạn nào cần liên hệ lịch sử Việt Nam giai đoạn đó và ngược lại. Có nghĩa là luôn tạo điều kiện để học sinh tự tư duy, liên hệ, liên kết, đặt các câu hỏi vì sao? như thế nào?

Ngoài ra, giáo viên phải cho học sinh thấy được một bức tranh tổng thể, khi nhìn được bức tranh tổng thể về tiến trình lịch sử thì lúc đi vào chi tiết từng giai đoạn lịch sử học sinh sẽ dễ hiểu hơn.

“Tôi phải cung cấp tư liệu, phim ảnh, những câu chuyện về lịch sử, sử dụng các bản đồ, tranh ảnh, để giảng dạy... Ngoài ra cần có các hoạt động ngoại khóa như đi Bảo tàng lịch sử, di tích lịch sử... để lôi cuốn học sinh.

Chắc chắn những tiết học môn Lịch sử hiện nay, tôi tin rằng các thầy cô giáo đều cố gắng đầu tư về phương pháp, nguồn tư liệu để môn học trở nên hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh và mong muốn Lịch sử sẽ thực hiện được sứ mệnh giáo dục truyền thống yêu nước để mỗi một học sinh ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, thầy Khải chia sẻ.

Những buổi học ngoại khóa sẽ giúp cho học sinh hiểu và yêu thích môn học Lịch sử hơn.

Còn theo chia sẻ của cô Dương, trường và tổ bộ môn cũng hay tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, tại đây, các em sẽ giáo viên giao nhiệm vụ đóng vào vai những nhân vật lịch sử, những chiến dịch... Từ đó các em phát huy được những sáng tạo của bản thân, dễ nhớ, dễ nắm bắt nội dung của từng giai đoạn lịch sử, đồng thời giúp các em đam mê hơn trong môn Lịch sử.

“Nói môn Lịch sử khô khan cũng không đúng, khô khan hay không là do cách truyền đạt của giáo viên. Lịch sử là sự kiện được thống nhất từ trước đến nay, không thể thêm hay bớt được. Để học sinh tiếp thu tốt, khi dạy các giáo viên phải có sự thay đổi, làm cho học sinh thấy thích thú với môn học, đó là thành công”, cô Dương bộc bạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo nên những 'từ khóa' trong môn Lịch sử để giúp học sinh hiểu bài tốt hơn