Triển khai 47 mô hình điểm
Theo ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, hằng năm, sở GD&ĐT đều ban hành văn bản, chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai công tác phối hợp thực hiện bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng trong trường học. Trên cơ sở văn bản ban hành, các trường xây dựng mô hình trường học gắn với di sản đạt được những kết quả tích cực.
Hiện, mô hình trường học gắn với bảo vệ các di sản văn hóa được ngành Giáo dục Phú Thọ triển khai sâu rộng đến tất cả cấp học, ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có 47 mô hình điểm phù hợp từng địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, giúp học sinh hiểu hơn về giá trị truyền thống, giá trị trường tồn của các di sản văn hóa, có tác động to lớn đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Thông qua các mô hình, còn giúp nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.
Ông Phùng Quốc Lập dẫn chứng một số đơn vị tiêu biểu, như: Trường Tiểu học Ðinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì), một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn. Ngay từ khi triển khai, trường đã chọn việc bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan làm chủ đề chính của mô hình. Trường THPT Phong Châu những năm học gần đây xây dựng mô hình “Trường học gắn với bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, tổ chức các hoạt động theo từng tháng, từng quý với chủ đề, chủ điểm khác nhau.
Theo đó, ngành GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” để đẩy mạnh công tác giáo dục trong nhà trường về giá trị hai di sản: Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Ngành cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức các di sản; tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phường Xoan gốc, nghệ nhân để tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan liên quan, cộng đồng trong việc truyền dạy hát Xoan ở cơ sở giáo dục. Từ đó, giúp học sinh biết quý trọng, phát huy những giá trị của di sản.