Tập trung nguồn lực

03/06/2023, 13:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai từ năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT 2018 đã đi được nửa chặng đường với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, việc triển khai chương trình bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch và đồng bộ trên toàn quốc.

Sẽ không có bản tổng kết nào có thể ghi nhận và đánh giá đầy đủ những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường và thầy cô giáo trên cả nước. Tất nhiên, công đầu tiên thuộc về các sở GD&ĐT, nhà trường và đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Còn nhớ, thời điểm chính thức triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 1 (năm 2020), các địa phương, nhà trường gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bên cạnh đó phải đối diện với dịch bệnh Covid-19. Với sự quyết tâm cao của toàn ngành và các địa phương, khó khăn dần vơi đi, để lại những dấu ấn với gam màu tươi sáng. Trên hết là, thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đã chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá ngày càng thực chất, hiệu quả.

Song, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức còn hiện hữu thời gian tới. Nhận diện vấn đề này để ngành Giáo dục, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa; trên hết là tiếp tục quan tâm, đầu tư và dành nhiều nguồn lực cho giáo dục, để việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đạt như kỳ vọng.

Theo các đại biểu Quốc hội và phản ánh từ cơ sở giáo dục, khó khăn đến từ việc thiếu thiết bị dạy học, kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nơi còn thiếu máy tính cho học sinh học tập, chưa đủ phòng học bộ môn… Thiếu giáo viên cũng là câu chuyện không mới nhưng tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Không phải ngẫu nhiên các đại biểu lại nhìn nhận, đội ngũ giáo viên là nguồn lực chính, cần được quan tâm, đầu tư cả về chất và lượng. Họ chính là những “chiến sĩ” trên mặt trận đổi mới. Chương trình GDPT 2018 thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ này. Chẳng thế mà, vấn đề nguồn lực giáo viên đã được Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và các địa phương trao đổi nhiều lần, để cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề không chỉ Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT giải quyết được mà phải tiếp cận rộng, vĩ mô hơn. Đơn cử như nguồn lực tài chính dành cho giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên... Đây là những vấn đề đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương; thậm chí là toàn xã hội. Song trước hết, chúng ta không thể bỏ qua vai trò tham mưu của các sở GD&ĐT với lãnh đạo địa phương.

Vẫn biết, đâu đó còn nhiều việc chúng ta chưa hài lòng và mong muốn phải làm tốt hơn. Nhận diện điều này để chặng đường tiếp theo toàn ngành Giáo dục và xã hội quyết tâm và nỗ lực hơn nữa. Hơn bao giờ hết, cần có sự chia sẻ, đồng thuận của địa phương, các bộ, ngành chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa nguồn lực cho cơ sở giáo dục trong triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung nguồn lực