Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh theo nguyện vọng, năng lực và phù hợp với điều kiện thực tế, dù nhiều khó khăn, song những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang kiên trì triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nguyện vọng học tập cho học sinh tốt nghiệp THCS theo năng lực, hoàn cảnh và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dự báo số lượng học sinh tốt nghiệp THCS ở Hà Nội năm học 2023 - 2024 tăng khoảng 5 nghìn em so với năm học trước. Nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người học, sở đã chỉ đạo các trường rà soát, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, đồng thời tăng cường tư vấn hướng nghiệp, phân luồng phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh học sinh.
Lựa chọn loại hình trường nào theo tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường có thể đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở nghiêm cấm các nhà trường vận động, ép buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng học tập.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, với đặc thù thành phố Hà Nội, vận động học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề rất khó. Và mong muốn con tiếp tục học THPT sau khi tốt nghiệp THCS là nguyện vọng chính đáng.
Để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh THCS, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, ngoài tiết học trên lớp, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, thực hiện thường xuyên theo hướng gắn kết chặt chẽ với địa phương trong sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ, các trường ở địa bàn có làng nghề truyền thống, khu công nghiệp có thể tổ chức đưa học sinh đến tận nơi để hiểu về truyền thống văn hoá, nghề nghiệp địa phương, đồng thời tạo cơ hội để các em biết rõ kiến thức, kỹ năng cần có của từng loại nghề nghiệp.
Thành phố cần khuyến khích các địa phương có làng nghề tạo điều kiện cho học sinh tham gia tìm hiểu, tiếp cận. Nếu không theo học trường nghề mà chọn học đại học thì những kiến thức về nghề nghiệp được trang bị ở phổ thông cũng hữu ích.
Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Thực hiện tốt việc đổi mới Chương trình GDPT sẽ góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh.