Văn hóa

Tết Dương lịch đặc biệt ở một số nước Châu Á

Hà Minh {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Đa số các nước Châu Á theo lịch âm nên sẽ đón Tết chính là Tết nguyên đán. Tuy nhiên, một số nước Châu Á cũng đón Tết Dương lịch long trọng không kém Tết cổ truyền.

tet-nhat-ban.jpg
Tết Dương lịch đặc biệt ở một số nước Châu Á trong đó có Nhật Bản.

Tết Dương Lịch là gì?

Tết Tây hay Tết Dương lịch mà ngày lễ khởi đầu một năm mới của nhiều quốc gia, dân tộc và nền văn hoá trên thế giới.

Tết Dương lịch diễn ra vào ngày 1 tháng 1 theo lịch dương. Đây là ngày đầu tiên trong năm theo lịch Gregory cũng như lịch Julius. Tết dương lịch 1/1 có nguồn gốc từ thời cổ đại. La Mã là quốc gia đầu tiên chọn ngày 1/1 làm ngày đầu năm mới vào năm 153 TCN.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã công nhận ngày 1/1 là ngày khởi đầu của năm mới – ngày lễ để các gia đình sum họp vui vẻ bên nhau. Tết Dương lịch cũng được coi là ngày Lễ lớn nhất trong năm, vào thời điểm 00h00 ngày 1/1 thường có hoạt động bắn pháo hoa chúc mừng năm mới ở hầu khắp các nước trên Thế giới. Đồng thời, đây cũng là dịp người lao động, học sinh, sinh viên được nghỉ học, nghỉ làm để đón mừng năm mới.

Tết Dương lịch đặc biệt ở một số quốc gia Châu Á

Nhật Bản chuyển sang ăn Tết Dương lịch thay vì Tết âm lịch

Từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Nhật Bản sử dụng lịch âm của người Trung Quốc và đón Tết Nguyên đán như các quốc gia Châu Á khác. Tuy nhiên, từ năm 1873, Nhật Bản áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn bắt kịp phương Tây.

Họ cho rằng việc bỏ ngày Tết âm lịch sẽ giúp Nhật Bản giảm bớt số ngày nghỉ của người lao động để tập trung vào công việc, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Ban đầu, nhiều người Nhật Bản cũng phản đối, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn quyết tâm bỏ ngày Tết âm lịch và chỉ cho người lao động nghỉ dài ngày dịp Tết dương. Dần dần, Tết âm lịch thực sự không còn là ngày lễ lớn ở Nhật nữa.

Thực chất, họ đã gộp ngày Tết dương lịch và Tết nguyên đán lại với nhau. Người dân Nhật Bản sẽ tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa... làm các món ăn truyền thống, làm thiệp chúc Tết để tặng nhau.

Đêm giao thừa ở Nhật Bản được gọi là Omisoka. Vào thời khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa đều đồng loạt gióng lên 108 hồi chuông tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo quan điểm Phật Giáo.

Trong đêm Giao thừa ở Nhật Bản, mọi người vẫn đổ ra đường để tham gia các hoạt động vui chơi, xem bắn pháo hoa hoặc cùng gia đình thưởng thức mì trường thọ.

Mặc dù kỉ niệm Tết Dương lịch như ngày lễ chính nhưng người dân Nhật Bản chỉ được nghỉ tổng cộng 4 ngày. Sau đó, mọi hoạt động, công việc sẽ tiếp tục trở lại bình thường.

tet-sigapo.jpg
Tết Dương lịch tại Singapore.

Singapore đón Tết Dương lịch náo nhiệt

Singapore chịu ảnh hưởng nhiều của văn minh phương Tây từ lâu nên cũng tổ chức đón Tết Dương lịch rất long trọng. Khi bắt đầu mùa lễ Giáng sinh kéo dài đến Tết Dương lịch, từng con đường, từng khu phố đều được trang hoàng lộng lẫy.

Những con phố mua sắm như Orchard Road đều đông đúc và náo nhiệt hơn hẳn. Người Singapore giờ đây còn hút khách tham quan mua sắm bằng cách tung các chiến dịch giảm giá sâu, hướng đến các mặt hàng thế mạnh như hàng điện tử, dụng cụ thể thao, đồng hồ... Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết Dương lịch ở Singapore thường diễn ra không dài, không khí Tết cũng chỉ có tập trung vào ngày 1/1. Sau đó, mọi hoạt động đều quay về nhịp sống thường ngày.

Thái Lan đón Tết Dương lịch lớn hơn Tết Âm lịch

Từ nhiều thập niên qua, Thái Lan đã ăn mừng năm mới theo Tết Dương lịch. Tết âm lịch chỉ còn là lễ hội mang tính truyền thống tôn giáo. Tết ở Thái Lan, người dân được nghỉ 5 ngày. Sát Tết, mọi người đều đổ dồn về Băngkok để về quê đón tết.

Tết Dương lịch là dịp người Thái sum họp gia đình, chúc tết và tặng quà cho nhau. Ngày đầu năm, người Thái sẽ đi lễ chùa, tặng quà, tặng tiền cho các nhà sư vì người Thái tin rằng những gì họ cho đi sẽ trở về với họ nhiều hơn trong tương lai.

Vào ngày Tết dương lịch, những hàng quán ở Thái đều đóng cửa, trừ một số nơi phục vụ người nước ngoài.

tet-thai-lan.jpg
Tết Dương lịch ở Thái Lan.

Hồng Kông đón Tết Dương lịch từ Giáng sinh

Hồng Kông đón Giáng Sinh và Tết Dương lịch lớn hơn cả Tết âm lịch truyền thống. Họ trang trí Giáng sinh từ đầu tháng 11, ngay sau khi Halloween kết thúc. Vào thời điểm này, các con phố của Hồng Kông đều rực sáng bởi ánh đèn lung linh sắc màu. Trong thời khắc giao thừa sang ngày 1/1, Hồng Kông sẽ bắn pháo hoa để đón chào năm mới.

Ở các quốc gia châu Á khác, Tết Dương lịch cũng được kỉ niệm nhưng thường sẽ không quan trọng hơn Tết cổ truyền Âm lịch. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, trong xu thế hội nhập quốc tế, những người trẻ ở các nước Châu Á vẫn đón nhận không khí chuyển giao năm cũ sang năm mới theo cả Tết Dương lịch và Tết âm lịch. Đây cũng là xu thế của toàn thế giới, khi mà, nhờ có công nghệ số, khoảng cách giữa các quốc gia đang ngày càng thu hẹp lại và hoà nhập lẫn nhau.

Bài liên quan
Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2024 của học sinh, sinh viên cả nước
Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2024 của học sinh, sinh viên hoàn toàn dựa trên quy định của từng cơ sở giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết Dương lịch đặc biệt ở một số nước Châu Á