Tại Thanh Hóa, nhiều phụ huynh có con mắc chứng bệnh tự kỷ dường như đang “bơ vơ” trên hành trình tìm kiếm cơ sở giáo dục “có niềm tin”.
Có con bị chứng tự kỷ, nhiều phụ huynh ở Thanh Hóa cố gắng tìm kiếm thông tin về những cơ sở uy tín, được cấp phép, đào tạo có chất lượng. Đáp lại, họ gần như không có bất cứ thông tin nào. Việc đưa con đến các trung tâm để học chỉ dựa trên cơ sở duy nhất là… niềm tin.
Chị L.T.H. (thị trấn Triệu Sơn, Thanh Hóa) phát hiện con bị tự kỷ, tăng động từ khi 19 tháng tuổi. Hơn 2 năm qua, chị H. miệt mài đưa con đến trung tâm để được điều trị. Dù vậy, con chị H. vẫn tiến triển rất chậm.
“Dù đưa con ra trung tâm, nhưng phụ huynh chúng tôi cũng không nắm bắt được chất lượng cũng như việc trung tâm này có được cấp phép hoạt động hay không? Giáo viên giảng dạy cho con có được đào tạo đúng chuyên ngành?…
Trung tâm thì không có camera, đến giờ đưa con đến, hết giờ đưa con về. Chúng tôi vẫn biết, ở các trung tâm hiện nay các cô có trình độ khác nhau. Có cô học nghề khác nhưng vẫn dạy trẻ chuyên biệt. Thực tế là phụ huynh… không có lựa chọn khác”, chị H. cho biết.
Phát hiện cháu có những biểu hiện bất thường, bà C.T.C. (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám. Dù đứa trẻ này đã lên 6 tuổi, nhưng suốt thời gian phát hiện dấu hiệu bệnh, gia đình không biết phải đưa con đến cơ sở nào để được điều trị.
“Có bạn ở gần nhà cũng ra trung tâm học 1 năm rồi không thấy tiến triển gì nên tôi cũng băn khoăn lắm, không biết chất lượng thế nào”, bà C.T.C. nói.
Cùng chung tâm trạng băn khoăn như chị H., bà C., chị N.T. T. (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) chia sẻ, chị và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ bị mất phương hướng, phải tự mò mẫm tìm kiếm các cơ sở giáo dục cho con. Có nhiều phụ huynh tìm đến những cơ sở không có chuyên môn khiến vừa mất tiền, vừa tốn thời gian mà con không hề có kết quả gì.
“Tôi cũng lên mạng tìm kiếm xem cơ sở nào được cấp phép, nhưng không thấy. Cơ quan chức năng hãy cho chúng tôi biết những cơ sở nào được cấp phép, đừng để chúng tôi đơn độc!”, chị T. bày tỏ.
Theo bác sĩ CK1 Trịnh Thị Phương, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hiện nay nhiều trung tâm giáo dục hoà nhập mọc lên. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát về chất lượng, các giáo viên nếu không được đào tạo đúng chuyên ngành thì rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
“Rối loạn tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh não bộ. Tuy nhiên, bệnh này dễ nhầm lẫn với chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn giao tiếp, tăng động giảm chú ý… Khi nhận trẻ vào, trung tâm sẽ phải nắm bắt được tình trạng của trẻ. Nếu không có đủ chuyên môn, có thể dẫn đến sai trong chẩn đoán bệnh.
Chẩn đoán sai dẫn đến phương pháp, phác đồ can thiệp không phù hợp. Hậu quả là vẫn can thiệp nhưng vẫn mất thời gian vàng của trẻ, bỏ lỡ nhiều cơ hội phát huy tối đa sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, sau này sẽ ảnh hưởng đến việc tỉ lệ khuyết tật ngày càng cao, gánh nặng cho cả gia đình và xã hội”, bác sĩ Phương chia sẻ.
Bác sĩ Phương cũng khuyến cáo, cha mẹ cần xem xét cẩn thận lựa chọn cơ sở uy tín, tin tưởng với những biện pháp can thiệp tâm lý giáo dục đã được khoa học chứng minh. Tránh trường hợp vẫn can thiệp mà vẫn “tiền mất tật mang”.
“Không có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy can thiệp sớm bằng các biện pháp tâm lý giáo dục đã mang lại những tiến bộ rõ rệt, làm tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hòa nhập xã hội của trẻ.
Can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng. Sớm có nghĩa là cần phải can thiệp ngay khi trẻ có dấu hiệu nguy cơ tự kỷ và thường là trước 3 tuổi. Nếu không được can thiệp sớm khả năng hòa nhập khó khăn, nguy cơ dẫn tới tàn tật của trẻ”, bác sĩ Phương cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng chục cơ sở giáo dục hoà nhập. Tuy nhiên, các trung tâm mọc lên dưới dạng tự phát, không được cấp phép, một số hoạt động dưới dạng công ty.
Về hoạt động chuyên môn, sử dụng giáo viên của các trung tâm này không có bất kỳ một đơn vị chức năng nào quản lý giám sát. Rất nhiều cơ sở sử dụng giáo viên nhưng không được đào tạo đúng chuyên ngành.
Nhiều cơ sở có tình trạng giáo viên là những tạp vụ, nhân viên bán cà phê… cũng có thể trở thành giáo viên dạy trẻ chuyên biệt chỉ qua vài tháng tập huấn và được cấp chứng chỉ.
Những giáo viên này đang dạy những gì, theo phương pháp nào không được kiểm chứng. Đây cũng chính là kẽ hở không thể kiểm soát được.
Điều đáng lo ngại nhất chính sự thiếu giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đang khiến những đứa trẻ chuyên biệt trở thành nạn nhân của các phương pháp điều trị thiếu khoa học, bạo lực, thậm chí có thể mất mạng do can thiệp không phù hợp.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, tại Khoa Đơn nguyên tâm bệnh, mỗi ngày có khoảng 100 đến 120 trẻ đang điều trị can thiệp ngoại trú. Số lượng bệnh nhân đến khám tại phòng khám của đơn nguyên dao động khoảng 25 - 35 bệnh nhân/ngày, với các biểu hiện như chậm nói, tăng động giảm chú ý, rối loạn Tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được), rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu…