Trong lịch sử hàng không không gian của nhân loại, thảm họa tàu con thoi Challenger của NASA năm 1986 thường được nhắc tới như sự kiện thảm khốc nhất khi mà 7 phi hành gia bỏ mạng ngay khi con tàu vừa phóng lên. Một sự kiện khác có thương vong tương tự cũng liên quan tới tàu con thoi là sự kiện tàu Columbia năm 2003. Mặc dù vậy, nếu xét trên thương vong về người nói chung (không chỉ tính các nhà du hành không gian), thì thế giới từng chứng kiến những thảm kịch hơn như thế.
Tai nạn có lẽ là thảm khốc nhất diễn ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1960, tại sân bay vũ trụ Baikonur (Байконуре), Liên Xô, được biết đến với tên gọi "Thảm họa Nedelin". Khi các kỹ thuật viên đang chuẩn bị cho lần phóng thử đầu tiên của tên lửa đạn đạo liên lục địa R-16, một lỗi kỹ thuật đã khiến động cơ tầng hai của tên lửa bất ngờ kích hoạt, gây ra vụ nổ. Thảm họa này đã khiến ít nhất 54 người thiệt mạng - đa số là quân nhân và kỹ thuật viên tại sân bay, trong đó có nguyên soái Mitrofan Nedelin, lãnh đạo cao cấp của chương trình tên lửa Liên Xô. Một số nguồn thông tin không chính thức cho rằng số thương vong có thể lên tới 300 người, tuy nhiên con số phổ biến hơn là khoảng hơn 100 người. Sự kiện này đã được giữ bí mật tuyệt đối để bảo vệ danh tiếng của chương trình tên lửa của Liên Xô trong cuộc đua không gian và chiến tranh lạnh khi đó. Nó chỉ được chính thức công bố vào năm 1980.
Hai thập kỷ sau sự kiện ở Baikonur, vào ngày 18 tháng 3 năm 1980, tại sân bay vũ trụ Plesetsk (Плесецк, cũng thuộc Liên Xô), một thảm họa khác lại xảy ra khi tên lửa Vostok-2M phát nổ trong quá trình nạp nhiên liệu chuẩn bị phóng vệ tinh quân sự Tselina-D. Vụ tai nạn khiến 44 người tử vong ngay tại hiện trường, thêm 4 người nữa qua đời sau đó do bỏng nặng, đưa tổng số người thiệt mạng lên 48. Đây được ghi nhận là một trong những tai nạn chết người nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành hàng không không gian.
Đài tưởng niệm các nạn nhân của sự kiện.
Một thảm kịch lớn khác xảy ra tại Trung Quốc vào ngày 15 tháng 2 năm 1996, tại Trung tâm phóng vệ tinh Xichang (西昌 / Tây Xương). Tên lửa Long March 3B mang vệ tinh Intelsat 708 đã mất kiểm soát chỉ vài giây sau khi phóng, lao thẳng xuống một ngôi làng gần đó. Chính phủ Trung Quốc công bố có 6 người thiệt mạng, nhưng các nguồn tin độc lập cho rằng số người chết có thể lên tới hàng chục, thậm chí hơn 100 người. Điều đáng nói là trước đó chỉ 1 năm, cũng ở bãi phóng này, tên lửa Long March 2E cũng đã phát nổ sau khi phóng và những mảnh vụn của nó khi rơi xuống cũng đã lấy đi mạng sống của ít nhất 6 người. Thảm họa này đã gây ra nhiều tranh cãi về tiêu chuẩn an toàn của chương trình không gian Trung Quốc lúc bấy giờ.
Tên lửa Long March 3B khi được phóng, ngay trước khi gặp biến cố.
Những sự kiện đau thương này nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho sự bất cẩn và áp lực quá lớn trong cuộc chạy đua vào không gian. Đồng thời, chúng cũng là những bài học quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ trong các quy trình kỹ thuật và an toàn, góp phần đảm bảo rằng những bước tiến trong hành trình khám phá vũ trụ của con người ngày nay và tương lai sẽ luôn được xây dựng trên nền tảng an toàn và trách nhiệm.
Bryan