Tại buổi chất vấn vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân. Vì vậy, đại biểu TP Hà Nội đề nghị Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực trong xã hội.
Chúng ta đều đã thấy được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á, một vụ án rúng động xã hội. Tuy vậy, hoạt động phòng, chống tham nhũng vặt có vẻ chưa được nhiều.
"Số liệu cho thấy năm 2022 đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, theo tôi còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra. Tôi cũng biết chống tham nhũng vặt là rất khó vì tính phổ biến và đôi khi rất mơ hồ, có khi chính người bị nhũng nhiễu tặc lưỡi cho qua cho nên rất khó", ông Trí chia sẻ.
Đồng ý với báo cáo của thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp, chỉ ra các nguyên nhân của những hạn chế chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh thêm, việc phòng, chống tham nhũng vặt chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của nhân dân và của quần chúng.
Vì thế, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn để nhân dân hiểu được pháp luật mà tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử như HĐND các cấp và kể cả Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
"Chính phủ, các ban ngành, các tổ chức, các cơ quan cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát lại thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn cho được tham nhũng vặt. Hy vọng công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng vặt ở Việt Nam sẽ bước sang một trang mới tốt hơn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân", ông Trí kỳ vọng.