Bên cạnh đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đưa tàu có người lái đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2030, sau đó là xây dựng một căn cứ thường trực trên Mặt Trăng vào năm 2036.
Căn cứ Mặt Trăng sẽ có các khu nhà ở dưới lòng đất, phòng thí nghiệm nghiên cứu, nhà kính, đội xe không người lái, hệ thống quang điện nhằm hỗ trợ cuộc sống chu kỳ khép kín, v.v...
Mỹ không thể không đề phòng
Theo National Interest, giới hoạch định chính sách Mỹ không nên xem nhẹ kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng của Trung Quốc.
Đầu tiên, đây là một kế hoạch nghiêm túc của Bắc Kinh. Nước này có tham vọng "công nghiệp hóa" Mặt Trăng và hướng đến xây dựng Khu kinh tế Mặt Trăng-Trái Đất vào năm 2050, dự kiến sẽ đem lại 10.000 tỉ USD mỗi năm.
Thứ hai, căn cứ trên Mặt Trăng của Trung Quốc nếu được xây dựng thành công sẽ thách thức đáng kể lợi ích kinh tế của Mỹ.
Bề mặt Mặt Trăng chứa nhiều loại vật liệu quan trọng, nhất là đồng vị Helium-3 sử dụng trong các lò phản ứng tổng hợp hạt nhân. Nhôm và silicon - vật liệu dùng trong pin mặt trời và các máy in 3D cũng rất phong phú trên bề mặt Mặt Trăng.
“Ai chinh phục Mặt Trăng đầu tiên sẽ được hưởng lợi trước” - ông Âu Dương Tự Viễn, nhà khoa học phụ trách chương trình nghiên cứu Mặt Trăng của Trung Quốc, khẳng định.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Politico, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson tự tin rằng Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc đua lên Mặt Trăng.
Tuy nhiên, ông Nelson nhấn mạnh rằng “tốt hơn hết vẫn nên dè chừng [Trung Quốc]”.