Em Hoàng Thị Trang cho biết, để sản xuất 100 kg than hữu cơ không khói, cần dùng 300 kg hạt nhãn, có giá 100.000 đồng; 3 kg bột khoai mỳ, có giá 45.000 đồng.
Tiền điện, hao mòn máy móc 100.000 đồng. Tổng chi phí hết 245.000 đồng. Như vậy chi phí dùng để sản xuất ra than hữu cơ từ hạt nhãn tiết kiệm hơn so với các loại than khác ở phần nguyên liệu.
Than từ hạt nhãn có thời gian cháy dài, toả nhiệt độ cao và đều trong suốt quá trình cháy. Trong quá trình cháy than không bị nứt, nổ quá nhiều và không tạo ra mùi khó chịu.
Trang làm phép so sánh: Nếu sản xuất ra than ép mùn cưa, 1.000 kg mùn cưa sẽ sản xuất được 300 kg than hữu cơ không khói. Mùn cưa được thu mua ở làng nghề gỗ với giá 1,6 triệu đồng/tấn. Vậy tính ra để sản xuất 100 kg than cần 500.000 đồng chi phí mua mùn cưa (tổng chi phí khoảng 600.000 đồng/100 kg).
“Vậy nếu sản xuất ra 100 kg than không khói từ hạt nhãn, ta tận dụng nguyên liệu sẵn có, thu mua với giá rẻ, có thể tiết kiệm được khoảng 350.000 đồng so với các loại than thông thường với chất lượng tương đương.
Ngoài ra loại than này còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, tiết kiệm nguồn tài nguyên nhiên liệu chất đốt”, Trang nói.
Sản phẩm giải pháp tạo ra có đầy đủ các thông số cần thiết, đảm bảo theo yêu cầu bảo vệ môi trường, đã thử nghiệm thành công từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022. Các thông số của viên than đảm bảo các chỉ tiêu như: Độ ẩm toàn phần 8,23%, hàm lượng tro 5,66 %, hàm lượng chất bốc 11,34%, hàm lượng lưu huỳnh 0%, giá trị toả nhiệt toàn phần 7.488kcal.
Than đá là tài nguyên không thể tái tạo và đang bị khai thác quá mức trong khi than hữu cơ là nguyên liệu chất đốt được sản xuất dễ dàng, không có khí thải độc hại, tạo ra nhiều nhiệt và sạch hơn. Trang kỳ vọng có thể sớm đưa sản phẩm vào thực tế nhờ sự giúp sức của các doanh nghiệp về năng lượng.