Mẫu vỏ sắn sau khi thu gom được rửa sạch, cắt nhỏ và đem sấy khô ở nhiệt độ 105 độ C trong 3 giờ. Tiếp theo, mẫu được nung yếm khí ở nhiệt độ 600 độ C trong 1 giờ, thu được sản phẩm mẫu than BC-S, có màu đen, không mùi.
Kết quả phân tích cho thấy rằng hình thái bề mặt của BC-S ở dạng các hạt phẳng xếp chồng lên nhau, chứa nhiều hóc được biết như là các tâm hấp phụ, kích thước hạt trung bình 10µm.
Xen giữa các hạt phẳng là các rãnh mao quản, hạt phẳng tương đối đều nhau, các lỗ trống xen kẽ nhiều và sâu làm tăng diện tích bề mặt riêng, vì vậy sẽ làm tăng khả năng hấp phụ.
Cấu trúc BC-S tồn tại dạng tinh thể carbon graphite chứa các nhóm đặc trưng của than sinh học có diện tích bề mặt riêng là 2,66 m2/g. Các kết quả phân tích cho thấy trong cấu trúc của sản phẩm là một dạng khoáng chứa nhiều nhóm chức hữu cơ và carbon, làm cho than sinh học có khả năng hấp phụ hóa học.
Nghiên cứu khả năng ứng dụng BC-S làm chất hấp phụ MB, tại nồng độ 15ppm, thời gian hấp phụ là 25 phút, cho thấy khả năng hấp phụ cực đại là 5,10 mg MB/g BC-S. Các kết quả cho thấy có thể sử dụng BC-S làm chất hấp phụ xử lý nước thải mang màu rộng rãi ở quy mô công nghiệp.
Nghiên cứu đã được công bố trên số 62, năm 2023 của Tạp chí khoa học và Công nghệ Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện tại ở Việt Nam chưa có đề tài nào nghiên cứu sử dụng biochar chế tạo từ vỏ sắn sử dụng làm chất hấp phụ màu hữu cơ xanh methylene xanh.
Đây là hướng đi tiên phong nhưng cũng có khả năng ứng dụng rất cao. Định hướng trong tương lai của nhóm là ứng dụng BC-S tiếp theo như là làm chất xúc tác, chất cải tạo đất, hoặc làm điện cực trong lĩnh vực điện hóa.
Để than sinh học đóng góp hiệu quả trong việc đổi mới sản xuất ở nông thôn và cải thiện đời sống nông dân, vấn đề cần quan tâm là ứng dụng vào thực tiễn các công nghệ và thiết bị sản xuất than sinh học hiệu quả và phù hợp với điều kiện của nông thôn Việt Nam.