Dư nợ tín dụng với hoạt động kinh doanh bất động sản đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 11/2023, tăng gần 3% so với tháng trước.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, hết tháng 10/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 994.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới cuối tháng 11/2023, con số này đã tăng lên hơn 1 triệu tỷ đồng, tức đã tăng gần 3%.
Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 283.876 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 39.096 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất là 67.557 tỷ đồng; dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 45.177 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán cho thuê là 123.083 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 68.694 tỷ đồng; dư nợ đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 335.565 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trong quý 4 năm 2023, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện giảm lãi suất huy động (lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022). Và lãi suất cho vay mua nhà cuối năm của một số ngân hàng cũng giảm hơn so với năm 2022.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, dẫn số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ HNX và SSC, Bộ Xây dựng cho biết, tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng.
Trong đó, có 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá khoảng 37.000 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành); có 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá hơn 275.000 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số) thì nhóm bất động sản chiếm 23,5%.
Theo Bộ Xây dựng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo, điều hành kịp thời giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, đóng góp cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế và từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.
Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo số liệu từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7%, tăng 4,8% so với năm trước.
Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng cần tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.