Thành công của Chương trình GDPT mới 2018 nhìn từ môn thi Ngữ văn.
Đề thi Ngữ văn 2025 của Bộ Giáo dục và đào tạo là một minh chứng sáng rõ cho thành công của Chương trình GDPT 2018, thể hiện qua 05 điểm sau đây.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc Hội 13, cụ thể hóa yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng. Chương trình được công bố cuối năm 2018, sau đó triển khai bằng việc biên soạn 03 bộ sách giáo khoa (SGK), thực hiện giảng dạy đồng thời cả 3 cấp học từ 2020. Năm 2025 tất cả các lớp ở 3 cấp học đã hoàn thành năm học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, Chương trình 2018 chỉ thực sự thành công khi xem xét kết quả kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, kì thi đầu tiên theo Chương trình mới.
Một là hiện thực hóa mục tiêu dạy học nhằm phát triển phẩm chất và năng lực
Đề thi Ngữ văn 2025 cũng thể hiện rõ yêu cầu về phẩm chất đối với học sinh. Qua bài viết các em vừa trình bày được những rung động về tình người, tình bạn, tình yêu tổ quốc trong văn bản truyện; vừa thể hiện hiểu biết, nhận thức đúng đắn và tình cảm sâu nặng của bản thân đối với quê hương, đất nước.
Hai là chấm dứt tình trạng đồn đoán, dạy tủ, học thuộc và chép văn mẫu
Có thể nói, tình trạng dạy tủ, đồn đoán đề thi; học sinh đi thi thường học thuộc tài liệu có sẵn và chép lại văn mẫu từ lâu đã trở thành căn bệnh trầm kha trong dạy học Ngữ văn. Căn bệnh ấy làm thui chột sự sáng tạo, bóp chết ý tưởng cá nhân người học, triệt tiêu ý nghĩa của việc dạy đọc và viết văn bản… Hệ quả không phát triển được tư duy, không hình thành và phát triển được năng lực; vô tình tạo điều kiện và khuyến khích học sinh vi phạm luật sở hữu trí tuệ…
Những kì thi trước theo Chương trình cũ, đề thi chỉ quanh đi quẩn lại vào mấy tác phẩm đã học, nhiều HS chỉ cần học thuộc và chép văn mẫu là được điểm cao. Đặt trong bối cảnh ấy, sẽ thấy đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT vừa công bố là một bước tiến mạnh mẽ. GV chỉ có thể dạy cho HS phương pháp đọc hiểu và cách viết văn bản theo yêu cầu của Chương trình. Đó là một hướng dạy học tích cực, đúng đắn.
Ba là thể hiện triết lí “mang cuộc sống vào bài học; đưa bài học vào cuộc sống”
Nội dung môn học Ngữ văn rất gần với cuộc sống. Yêu cầu dạy học văn cần gắn với cuộc sống đã có từ lâu. Tuy nhiên việc hiện thực hóa yêu cầu ấy không phải khi nào cũng làm được, làm tốt càng khó. Việc thực hiện yêu cầu ấy nếu không tốt dễ rơi vào tình trạng gượng ép, hô hào, liên hệ sống sượng; dễ gây phản cảm, phản tác dụng giáo dục… nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Đề thi Ngữ văn 2025 đã thể hiện yêu cầu ấy một cách khá tự nhiên và sinh động. Trước hết đề văn giúp học sinh có được những hiểu biết về cuộc sống của cha anh một thời oanh liệt, gian khổ mà vẫn lạc quan, thấm đượm tình người… qua văn bản Những vùng trời khác nhau của nhà văn chiến sĩ Nguyễn Minh Châu.
Yêu cầu gắn với cuộc sống còn thể hiện ở các câu hỏi đọc hiểu đòi hỏi học sinh những hiểu biết thực tế về những con sông được nhắc đến trong văn bản, những trải nghiệm về tình cảm sâu nặng với vùng đất mình đã đi qua, đã sống. Đặc biệt với câu 2 của phần viết, học sinh muốn làm tốt phải biết huy động hiểu biết về những thay đổi lớn lao của đất nước đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay. Các em đều ở độ tuổi 18, đã trở thành một công dân thực sự, không thể thờ ơ trước những thay đổi lớn về chính trị, xã hội của đất nước trong những ngày này.
Bốn là không đánh đố học sinh, làm thay đổi hẳn cách dạy, cách học
Để ôn luyện kì thi tốt nghiệp 2025, từ cuối 2023, học sinh đã được biết rất rõ về yêu cầu và cấu trúc đề thi. Cụ thể đề có hai phần đọc hiểu và viết. Đọc hiểu có 05 câu hỏi theo ba mức độ; viết đoạn văn khoảng 200 chữ và bài văn khoảng 600 chữ… Những quy định này, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố một cách rõ ràng. Nhưng với đề thi cụ thể, giáo viên và học sinh không thể đoán được văn bản đọc hiểu là văn bản gì, yêu cầu viết đoạn văn và bài văn với nội dung nào? Nghĩa là yêu cầu đọc hiểu và viết quen thuộc nhưng nội dung cụ thể rất mới, tạo bất ngờ và gây được cảm hứng cho người viết.
Đề thi cũng thể hiện sự phân hóa, đáp ứng được mục đích kép: vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho việc tuyển sinh. Phần đọc hiểu cũng như phần viết trong đề đều có câu dễ và khó để học sinh bình thường làm được 5-7 điểm, học sinh khá giỏi có đất để vươn lên đạt các điểm cao hơn, nhất là với câu 5 phần đọc hiểu và câu 2 phần viết bài nghị luận xã hội.
Đề thi này chính thức đã khép lại một thời kì giáo viên chỉ chạy theo trang bị kiến thức, dạy tủ, đoán mò; mở ra một giai đoạn mới: dạy cách đọc, cách viết một văn bản. Với mỗi văn bản đọc hiểu hoặc viết bài, học sinh được nói lên ý kiến của riêng mình, nêu lên suy nghĩ cá nhân và biết làm ra bài văn của chính mình.
Năm là thể hiện thành công chủ trương 01 chương trình, nhiều sách giáo khoa
Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2025 đã thể hiện rất rõ thành công chủ trương: “giáo dục phổ thông tiếp tục “thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.”. Đây là yêu cầu thống nhất và xuyên suốt về đổi mới chương trình và SGK phổ thông của Đảng và nhà nước đã nêu trong Nghị quyết số 29, tiếp đó là Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Luật Giáo dục 2019 và gần đây (2024) là Kết luận số 91 của Bộ Chính trị.
Việc biên soạn nhiều bộ SGK trên cơ sở 01 chương trình quốc gia đã thực sự giúp cho việc dạy và học Ngữ văn trở nên sinh động, linh hoạt, phù hợp với đối tượng vùng miền…Với định hướng này, HS được tiếp xúc với rất nhiều văn bản đa dạng, phong phú; tham khảo được nhiều cách khám phá tiếp cận tác phẩm, phù hợp với điều kiện trình độ HS từng vùng miền; GV phải đọc, suy nghĩ và tìm thêm nhiều ngữ liệu mới và hay để ra đề kiểm tra, đề thi một cách đa dạng, phong phú nhằm rèn luyện kĩ năng đọc hiểu và viết cho HS. Kết quả kì thi cho thấy HS học bộ sách nào cũng sẽ làm tốt bài thi nếu có cách học phù hợp; GV phải biết dựa vào yêu cầu cần đạt trong chương trình để rèn luyện năng lực đọc và viết cho HS.
Chủ trương 01 chương trình có nhiều bộ SGK đã mở ra một giai đoạn mới, một cách dạy học Ngữ văn mới: đề thi không phụ thuộc vào SGK; GV không thể dạy học theo cách cũ: học vẹt, học tủ, học thuộc tài liệu có sẵn, đi thi chép lại bài văn mẫu tập trung dạy cho HS phương pháp học, hình thành cho các em năng lực giao tiếp là chính; đáp ứng yêu cầu của đất nước: tạo ra một lớp người biết nghĩ và biết thể hiện suy nghĩ một cách độc lập, năng động và sáng tạo...
Thay lời kết
Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn 2025 có tác động hết sức to lớn tới việc dạy và học Ngữ văn trong các nhà trường. … Chặng đường đổi mới còn dài, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe các ý kiến phản biện, góp ý để tiếp tục hoàn thiện tốt hơn cách ra đề thi nói chung và môn Ngữ văn nói riêng; tuy nhiên cũng cần có đủ tri thức và bản lĩnh để tin vào những gì mình đã làm đúng. Với môn Ngữ văn ít nhất có thể khẳng định được 05 điểm nổi bật nêu trên. Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2025 là một minh chứng cụ thể cho thành công của chương trình 2018, mở ra một khởi đầu mới, xác lập một cách làm mới, góp phần “bẻ ghi” để con tàu dạy và học Ngữ văn chuyển sang một hướng đúng hơn, có hiệu quả hơn.
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 293 thí sinh đạt mức điểm 9,75 ở môn Ngữ Văn.
- Cụ thể, có 289 thí sinh có môn thi Ngữ Văn 9,75 thi theo Chương trình GDPT mới 2018 và 4 thí sinh theo CT cũ 2006.