Dạy học ‘viết sâu” trong Ngữ văn

20/07/2025 23:33

Muốn hình thành tư duy độc lập, khả năng kết nối, phản tư, học sinh phải viết sâu hơn, sống thật hơn với trải nghiệm đọc, cảm xúc của mình.

Vì sao cần dạy học "viết sâu" trong Ngữ văn?

Theo cô Trần Phương Thanh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Olympia (Hà Nội), “viết sâu” là một kỹ năng cần thiết để phát triển tư duy và năng lực biểu đạt cảm xúc, quan điểm cá nhân của học sinh.

Khi học sinh viết nông, các em thường chỉ lặp lại văn mẫu, ngôn từ sáo rỗng, hoặc viết cho xong nhiệm vụ. Điều này vô hình trung kìm hãm sự phát triển của tư duy độc lập.

Nếu muốn học sinh hình thành tư duy độc lập, khả năng kết nối, phản tư, bắt buộc các em phải viết sâu hơn, sống thật hơn với trải nghiệm đọc và cảm xúc của mình.

“Đây chính là động lực lớn nhất để Olympia theo đuổi và phát triển phương pháp này”, cô Trần Phương Thanh chia sẻ.

"Viết sâu" bắt đầu từ "đọc sâu"

Để đạt được "viết sâu", hành trình bắt đầu từ "đọc sâu". Cô Trần Phương Thanh giới thiệu một kỹ thuật mà cô đã áp dụng khá hiệu quả, đó là sử dụng hình ảnh “gương phản tư” trong quá trình đọc truyện ngắn.

Cô đưa ra ví dụ cụ thể về việc học truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. Theo đó, thay vì chỉ yêu cầu học sinh phân tích nhân vật theo các ý có sẵn, giáo viên mời các em soi vào mình: Nếu em là người đàn ông hàng chài, em sẽ cảm thấy gì? Hoặc: Nếu em là người phụ nữ cam chịu ấy, em muốn nói gì với nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh?

Nhấn mạnh sự khác biệt cốt lõi của phương pháp này, cô Trần Phương Thanh cho biết: Đây không còn là yêu cầu phân tích nhân vật nữa, mà yêu cầu học sinh phản chiếu chính mình vào tác phẩm. Khi đó, bài viết của các em trở nên rất khác. Không còn “nêu đặc điểm, phân tích hành động”, đó là dòng cảm xúc thực, đôi khi vụng về, nhưng rất chân thật và sắc sảo. Kỹ thuật này giúp học sinh đối thoại trực tiếp với tác phẩm, tác giả, cuộc sống và quan trọng nhất là với chính bản thân mình.

Bốn cấp độ của "viết sâu"

Để cấu trúc và định hướng quá trình "viết sâu", tại Olympia, học sinh được hướng dẫn viết theo một khung bốn bước: Cảm - Giải - Liên - Chiêm. Đây là một mô hình dẫn dắt giúp học sinh tự khám phá và biểu đạt chiều sâu tư duy của mình.

Cô Trần Phương Thanh giải thích từng bước một cách ngắn gọn và dễ hiểu:

Cảm (Cảm nhận): "Trước hết là cảm xúc cá nhân. Khi đọc xong, điều gì chạm tới các em nhất?" Đây là bước khởi đầu, nơi cảm xúc chân thật nhất của người đọc được ghi nhận.

Giải (Lý giải): “Sau cảm xúc là lý giải - vì sao điều đó lại tác động mạnh đến mình? Dựa vào đâu trong văn bản?" Học sinh được khuyến khích phân tích các chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật hoặc ý tưởng của tác giả để hiểu nguồn gốc của cảm xúc đó.

Liên (Liên hệ): "Từ cảm xúc và lý giải, các em liên hệ đến bản thân, xã hội, hoặc một trải nghiệm có thật". Bước này mở rộng tầm nhìn của học sinh, kết nối tác phẩm với những vấn đề rộng lớn hơn trong cuộc sống.

Chiêm (Chiêm nghiệm): "Cuối cùng là chiêm nghiệm - các em học được gì, rút ra điều gì từ tác phẩm?" Đây là đỉnh điểm của quá trình viết sâu, nơi học sinh đúc kết được những bài học, nhận thức mới về bản thân và thế giới.

Cô Thanh khẳng định: "Một bài viết theo 4 bước này sẽ tự nhiên hình thành tư duy phản biện, tư duy liên hệ và khả năng tự phản tỉnh - điều mà tụi em mong muốn từ học sinh khi học văn."

sin-0692.jpg
Cô Trần Phương Thanh: Trong quá trình "viết sâu", vai trò của giáo viên không phải là người truyền đạt kiến thức một chiều hay áp đặt khuôn mẫu mà đóng vai trò là người đồng hành.

Một ví dụ thực tế từ lớp học: Bài viết từ truyện "Chiếc thuyền ngoài xa"

Để minh chứng cho hiệu quả của phương pháp "viết sâu", cô Trần Phương Thanh chia sẻ một đoạn văn thực tế của một học sinh lớp 11 sau khi được yêu cầu viết đoạn văn phản tư về truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa":

“Em từng nghĩ mình sẽ can đảm nếu rơi vào tình cảnh bị đối xử bất công. Nhưng đọc truyện, em bối rối. Người phụ nữ ấy không lên tiếng vì chị hiểu rằng điều chị cần là sự bình yên cho con. Em nghĩ về mẹ mình, có những lần mẹ cũng im lặng, chịu đựng. Trước đây em hay giận mẹ vì điều đó. Bây giờ, em thấy mình đã quá hời hợt khi đánh giá người khác…”

Phân tích đoạn văn này, cô Thanh nhấn mạnh: "Đây là một đoạn văn ngắn, nhưng nếu nhìn bằng lăng kính “viết sâu, ta sẽ thấy học sinh đã đi qua cả bốn bước: cảm xúc - lý giải - liên hệ bản thân - và chiêm nghiệm. Nó không giống một bài nghị luận văn học, nhưng nó là văn - văn của chính học sinh viết ra từ những điều học được sau khi đọc." Điều này cho thấy "viết sâu" không chỉ là kỹ thuật viết mà còn là hành trình khám phá và biểu đạt nội tâm.

Vai trò của giáo viên: Hướng dẫn, không áp đặt

Trong quá trình "viết sâu", vai trò của giáo viên không phải là người truyền đạt kiến thức một chiều hay áp đặt khuôn mẫu mà đóng vai trò là người đồng hành.

Cô Trần Phương Thanh chia sẻ: Chúng ta không cho sẵn mẫu, không bắt học sinh viết giống nhau, mà đưa ra khung gợi ý, các câu hỏi mở, những không gian để học sinh tự chọn cách biểu đạt của mình".

Cô Trần Phương Thanh đồng thời đưa ra một vài gợi ý cụ thể để các thầy cô có thể áp dụng như sau:

Thay vì yêu cầu "phân tích nhân vật X", hãy hỏi: “Nếu em là X, em sẽ nghĩ gì khi…?” để khuyến khích sự nhập tâm và đồng cảm.

Hãy khuyến khích học sinh dùng ngôi thứ nhất, dùng từ “tôi”, “em”, “mình” để viết, nhằm khẳng định tiếng nói cá nhân.

Chấp nhận sự chưa hoàn hảo trong cách hành văn ban đầu, nhưng phản hồi sâu vào nội dung, tập trung vào chiều sâu tư duy và cảm xúc mà học sinh thể hiện.

"Khi học sinh viết sâu, học sinh không chỉ học văn. Các em học cách lắng nghe cảm xúc, lắng nghe người khác và chính mình. Tôi tin rằng, đây là cách chúng ta rèn luyện sự tử tế trong một môn học tưởng như chỉ là phân tích, cảm thụ”.

Chia sẻ điều này, cô Trần Phương Thanh đúc kết: dạy học viết sâu là một hành trình dài, nhưng đáng giá. Phương pháp này không đòi hỏi học sinh phải hiểu hết tất cả mọi thứ sau mỗi buổi học, mà chỉ cần một sự "va chạm" nhẹ nhàng, một "điểm chạm" sâu sắc với tác phẩm cũng đủ để khơi gợi những suy nghĩ, cảm xúc và giúp các em tìm thấy tiếng nói cá nhân trong mối quan hệ với tác phẩm, tác giả, đời sống đạo đức và chính mình; từ đó, thúc đẩy quá trình học sâu một cách hiệu quả và bền vững.

Kỹ năng “viết sâu” được cô Trần Phương Thanh chia sẻ tại một workshop trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Deeper Learning Conference (VDLC), được tổ chức bởi Trường Phổ thông Liên cấp Olympia.

Thu hút hơn 500 nhà giáo từ 50 trường học trên cả nước, VDLC hướng đến hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực dạy học sâu, xây dựng cộng đồng học tập chuyên nghiệp và góp phần vun đắp một nền giáo dục nhân văn, toàn diện.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-viet-sau-trong-ngu-van-post740683.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-viet-sau-trong-ngu-van-post740683.html
Bài liên quan
Khuyến khích sáng tạo trong dạy học Ngữ văn
PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý giúp giáo viên tránh áp đặt, từ đó khuyến khích sáng tạo trong dạy học Ngữ văn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học ‘viết sâu” trong Ngữ văn