Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn, cơ bản đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đổi mới công tác dạy và học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới”, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức nhấn mạnh.
“Thanh Hoá cần thu hút các trường ĐH lớn”
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những thành tựu mà Thanh Hoá đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Giáo dục và Đào tạo của Thanh Hoá tương đối đầy đủ và toàn diện.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: NT). |
“Thanh Hoá có 11 huyện miền núi, đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số đông, tỉ lệ học sinh khu vực miền núi cao đặt ra thách thức cho giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, tỉ lệ đi học đúng độ tuổi tiểu học và Trung học cơ sở rất cao, tỉ lệ kiên cố hoá trường lớp như vậy là một nỗ lực rất lớn của tỉnh”, Thứ trưởng đánh giá.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia THPT của Thanh Hoá thấp; tỉ lệ phòng học tin học, ngoại ngữ, trang thiết bị; tỉ lệ trường tư thục của Thanh Hoá còn thấp, chưa có trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29 nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. (Ảnh: NT). |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Thanh Hoá nên tính toán xem nên thu hút các trường ĐH lớn ở Hà Nội mở phân hiệu ở Thanh Hoá…
"Tỉnh không tốn ngân sách mà chỉ hỗ trợ mặt bằng. Thực tế nhiều trường ĐH lớn đã mở phân hiệu một số tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nên suy nghĩ về vấn đề này, nhất là các ngành gắn với kinh tế của tỉnh như ngành công nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu quan điểm.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá cho biết, giáo dục miền núi trên địa bàn Thanh Hoá vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là từ năm 2021 đến nay, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, khu vực miền núi tỉnh ta có 74 xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến dừng hưởng một số chính sách, làm cho khó khăn hơn...
“Hiện nay, Thanh Hoá đang vận động chương trình “Bữa cơm cho em” và một số chương trình khác, tuy nhiên đây chỉ là những hoạt động cục bộ, không toàn diện. Vừa qua nghe đề xuất của Hội đồng dân tộc, Quốc hội, ý kiến các địa phương, Thủ tướng cũng đã ghi nhận và đang giao cho Bộ GD&ĐT, Uỷ ban dân tộc phải khẩn trương triển khai Quyết định 378 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc quốc hội, tháo gỡ các vấn đề trên, rất mong Thứ trưởng quan tâm”, Bí thư Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.