Thanh Hóa: Học sinh gặp khó khi không còn diện hưởng bán trú

Thế Lượng | 19/05/2022, 06:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, hàng trăm học sinh ở xã biên giới Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) gặp nhiều khó khăn hơn khi không còn diện hưởng bán trú.

Giờ ăn trưa của học sinh bán trú, Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh, huyện Quan Sơn.Giờ ăn trưa của học sinh bán trú, Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh, huyện Quan Sơn.

Cắt chế độ bán trú, chất lượng giáo dục giảm

Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT – THCS) Tam Thanh có 263 học sinh (HS). Năm học trước, nhà trường có 193 HS thuộc diện ăn, ở bán trú trong ký túc xá. Tuy nhiên, từ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, nhà trường chỉ còn 65 HS thuộc diện bán trú được Nhà nước hỗ trợ ăn, ở hàng tháng để học tập.

Thầy Nguyễn Văn Dương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ 193 HS ăn, ở bán trú, nay chỉ còn 65 em, khiến nhà trường và HS “hụt hẫng”. Số HS thuộc diện ăn, ở bán trú còn lại có hộ khẩu ở bản Pa và bản Mò (là 2 bản đang thuộc diện đặc biệt khó khăn). So với năm học trước, nhà trường có 132 HS không được hưởng bán trú do bị điều chỉnh theo Quyết định 861.

“Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, thông báo về việc HS bị điều chỉnh theo Quyết định 861, thì sẽ không được ăn, ở bán trú nữa. Chúng tôi cũng động viên phụ huynh nên cố gắng phối hợp với nhà trường cho HS ăn, ở bán trú. Nếu phụ huynh đồng ý, thì mỗi tháng một HS phải nộp 596.000 đồng, 15kg gạo (tương ứng mức trợ cấp của Nhà nước) và 1 bó củi để làm chất đốt. Tuy nhiên, phụ huynh không đồng ý, vì điều kiện đời sống kinh tế của bà con đang rất khó khăn”, thầy Dương chia sẻ.

Thầy Dương cho biết thêm, Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh sẽ không thuộc diện mô hình trường bán trú trong vòng 2 năm tới. Bởi, theo quy định, thì trường bán trú phải có 50% HS thuộc diện hưởng chế độ bán trú và ở xã đặc biệt khó khăn. Nếu đủ 2 tiêu chí đó, thì giáo viên nhà trường cũng mới được hưởng phụ cấp là 0,3% lương cơ bản, để phục vụ HS bán trú.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, xã Tam Thanh cách trung tâm huyện Quan Sơn khoảng hơn 20km và có 18km đường biên giới với nước bạn Lào. Tuy nhiên, xã Tam Thanh không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

“Từ khi HS không được ăn, ở bán trú, thì chất lượng giáo dục của nhà trường có chiều hướng giảm. Bởi lẽ, những ngày thời tiết xấu, số lượng HS vắng học nhiều hơn, tính chuyên cần của các em cũng giảm đáng kể. Phong tục tập quán của đồng bào Thái là ở nhà sàn, nên rất ít HS có góc học tập ở nhà. Vì vậy, việc tự giác học tập vào buổi tối của các em sẽ hạn chế, dẫn đến chất lượng giáo dục đại trà của nhà trường cũng giảm”, thầy Dương cho hay.

Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mong có chính sách ưu tiên cho học sinh

Cũng theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT – THCS Tam Thanh, nếu HS được ăn, ở bán trú, thì sẽ tốt hơn, vì nhà trường quản lý HS rất chặt chẽ.

“Hàng ngày, học sinh được giáo viên đánh thức từ 5 giờ 30 phút sáng để tập thể dục, dọn vệ sinh, ăn sáng rồi lên lớp. Buổi trưa, 11 giờ 15 phút các em ăn cơm tại nhà ăn, đến 12 giờ ngủ trưa và được đánh thức lúc 13 giờ 30 phút để vệ sinh cá nhân rồi lên lớp học vào lúc 14 giờ. Buổi chiều, các em sẽ tan học vào lúc 16 giờ 30 phút, sau đó chơi thể thao, xem tivi, tắm rửa và ăn cơm chiều tại nhà ăn vào lúc 18 giờ 30 phút. Đến 19 giờ 15 phút học sinh phải lên lớp tự học đến 21 giờ 45 phút và đi ngủ vào lúc 22 giờ 15 phút. Ngoài chất lượng giáo dục được giữ vững, học sinh còn được giáo viên rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn”, thầy Dương khẳng định.

Theo nhận định của Hiệu trưởng nhà trường, khi HS được ăn, ở bán trú tại trường sẽ có bốn điều tốt. Đó là, an toàn hơn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng hơn, được chơi vui hơn và được học nhiều hơn ở nhà. Còn nếu HS không được ăn, ở bán trú tại trường, thì sẽ ngược lại hoàn toàn, vì bố mẹ đi làm nương rẫy cả ngày, không có thời gian chăm sóc và quản lý con cái.

Em Lương Tường Vy (lớp 6A) nhà ở bản Ngàm, xã Tam Thanh cho biết, hàng ngày, em được bố chở bằng xe máy đến lớp. Hôm nào bố, mẹ đi làm nương rẫy, thì em tự đi bộ đến trường. “Nhà em cách trường hơn 5km, phải đi qua cầu treo, đường đi lối lại rất vòng vèo, khó khăn. Gặp những ngày mưa, nếu bố mẹ đi làm vắng, thì em không thể đến trường đúng giờ và hôm đó sẽ phải bỏ học”, Tường Vy bộc bạch.

Anh Lương Văn Thức (bố của Tường Vy) phàn nàn rằng, từ khi Tường Vy vào học lớp 6 nhưng không được hưởng chế độ ăn, ở bán trú thì rất vất vả. “Nếu con gái tôi được ăn, ở bán trú tại trường, gia đình sẽ đỡ khó khăn, vất vả đi nhiều phần. Tuy nhiên, từ khi thực hiện theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, xã Tam Thanh không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn, nên hàng trăm học sinh không được hưởng chế độ ăn, ở bán trú như trước. Đời sống của bà con đồng bào vốn đã khó khăn, bây giờ lại càng khó khăn hơn”, anh Thức bộc bạch.

Em Lò Thiên Lý (HS lớp 9A), nhà cũng ở bản Ngàm (xã Tam Thanh), cho hay, những năm học trước, em được ăn, ở bán trú tại trường rất thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt. “Mỗi tuần, chúng em về thăm nhà một lần vào chiều thứ Bảy và bố, mẹ không phải đưa đón hàng ngày như bây giờ. Còn năm học này, các em không được ăn, ở trong ký túc xá của trường nữa, nên phải chủ động đi về trong ngày khá là vất vả”, Thiên Lý chia sẻ.

Chị Lò Thị Tin, mẹ của em Thiên Lý, nói: “Những năm trước, các con được hưởng chế độ bán trú, chúng tôi rất phấn khởi. Hàng ngày, chúng tôi không phải đưa đón con đến trường, còn bây giờ, vợ chồng phải chia nhau đưa con đi học hàng ngày. Những ngày trời mưa, đường dốc, trơn trượt nên con gái tự đi bộ đến trường, hoặc có thể phải xin nghỉ học hôm ấy. Chúng tôi rất thương các con, nhưng không biết làm cách nào cả, mà chỉ động viên con cố gắng học hành thôi. Nếu được Nhà nước hỗ trợ chế độ bán trú như trước, thì các con sẽ yên tâm học tập và gia đình cũng bớt khó khăn hơn”, chị Tin bày tỏ.

Trước thực trạng học sinh gặp nhiều khó khăn khi không được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước để ăn, học bán trú, thầy Nguyễn Văn Dương, nói: “Việc thực hiện Quyết định 861/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì không riêng gì đối với xã Tam Thanh. Tuy nhiên, xét về điều kiện thực tế, xã Tam Thanh là địa phương vùng sâu, xa và giáp biên giới với nước bạn Lào (có 18 km đường biên).

Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, xã Tam Thanh bị điều chỉnh và không còn là xã đặc biệt khó khăn, nên hàng trăm học sinh cũng không thuộc diện ăn, ở bán trú nữa. Việc này, đã gây khó khăn cho con em đồng bào ở địa phương như đã nêu trên. Do đó, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần có chính sách riêng để hỗ trợ cho những học sinh bị cắt chế độ hưởng bán trú, để giúp các em có điều kiện đến trường thuận lợi hơn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh Hóa: Học sinh gặp khó khi không còn diện hưởng bán trú