“Ngay sau thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi, sở tổ chức họp đoàn và phân công nhiệm vụ, phổ biến quy chế, yêu cầu… lực lượng làm nhiệm vụ thanh kiểm tra. Sở dĩ Sở GD&ĐT Lào Cai không tập huấn thêm bởi lực lượng này đều là cộng tác viên thanh tra “tinh nhuệ”, từng làm nhiệm vụ nhiều lần với nghiệp vụ, kinh nghiệm cao. Hơn thế, sở đã yêu cầu các trường khi cử cán bộ làm nhiệm vụ phải đảm bảo theo đúng quy định, tiêu chuẩn. Danh sách gửi lên sở sẽ rà soát lại…”, ông Đông thông tin.
Nâng cao chất lượng kỳ thi từ thanh/kiểm tra
Có thể thấy, hầu hết địa phương đều coi thanh tra, kiểm tra như “điểm tựa” để các kỳ thi ngày càng nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng. Vì vậy, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm… đối với lực lượng này được đặt ra với yêu cầu cao.
Ông Đào Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hải Phòng khẳng định: Cộng tác viên thanh tra cấp THPT được lựa chọn làm nhiệm vụ thanh/kiểm tra tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay Kỳ thi tốt nghiệp THPT đều là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, sau đó là tổ trưởng chuyên môn hoặc giáo viên cốt cán. Ở cấp THCS, nguồn nhân lực đảm nhiệm phải qua giới thiệu của phòng GD&ĐT và đều là cốt cán chuyên môn, gắn bó thường xuyên với công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục… Với yêu cầu cao nên chất lượng lực lượng thanh tra, kiểm tra giáo dục hiện nay của Hải Phòng có thể yên tâm về chuyên môn, kinh nghiệm. Mặt khác, sở cũng quan tâm tới công tác tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ trước và gần các kỳ thi.
Ông Minh cũng cho biết thêm: Để bảo đảm chất lượng đội ngũ thanh tra, kiểm tra bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các tiêu chí, quy định lựa chọn nhân lực quy định của Bộ GD&ĐT và phù hợp với yêu cầu, sở sớm đăng tải toàn bộ tài liệu về công tác thanh tra, kiểm tra của ngành lên cổng thông tin để cán bộ, giáo viên, cộng tác viên thanh tra có thời gian nghiên cứu, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ...
“Sở hạn chế chọn người mới, ít kinh nghiệm, khi tiếp cận công việc khó khăn, lúng túng hơn. Mặt khác, cũng yêu cầu các cộng tác viên thanh tra dù nhiều kinh nghiệm vẫn không ngừng nâng cao nghiệp vụ, bám sát vào đòi hỏi nghiệp vụ thực tế, những yêu cầu mới của kỳ thi. Cá nhân nào không tham gia, hoặc tham gia không nghiêm túc buổi tập huấn không được bố trí tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi…”, ông Phan Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Ninh Bình chia sẻ đồng thời cho hay: Để đảm bảo tính khách quan, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đưa lực lượng Thanh tra tỉnh cùng làm nhiệm vụ trong các đoàn thanh tra, kiểm tra. Với lực lượng thanh tra, kiểm tra tỉnh ngoài đòi hỏi nghiệp vụ vững vàng còn đề cao tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Ngành Giáo dục sẽ bồi dưỡng thêm chuyên môn để cộng tác viên thanh tra tỉnh có thể đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ.
Kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2022 - 2023, Thanh tra Sở GD&ĐT dự kiến thành lập đoàn thanh tra coi thi với 15 thành viên. Đoàn thanh tra chấm thi với 9 thành viên. Thành phần tham gia các đoàn thanh tra là các thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra (cán bộ quản lý ở các trường THPT).
Bên cạnh tiêu chuẩn chung, theo ông Dương Đình Long, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Đắk Lắk, ngành Giáo dục đưa ra một số tiêu chí lựu chọn cán bộ tham gia công tác thanh tra kỳ thi như có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm; liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.