Tháo gỡ bất cập từ Luật Nhà giáo

19/11/2023, 08:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, các chuyên gia đồng thời mong muốn, luật sẽ tháo gỡ được những bất cập...

Tháo gỡ bằng luật

Đề cập đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, các chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong tổ chức, thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng viện dẫn, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Các văn bản có nội dung điều chỉnh khá rộng, từ chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đến những nội dung cụ thể, đặc thù như: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông; chương trình bồi dưỡng giáo viên, khen thưởng, tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… Điều này giúp địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng Đề án vị trí việc làm, thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các quy định pháp luật về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp lý khác nhau, thiếu tính đồng bộ, thống nhất; thậm chí chồng chéo, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng. Nhiều vấn đề chưa điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Từ thực tiễn nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn thống nhất toàn bộ hệ thống văn bản còn chồng chéo, thiếu đồng bộ như hiện nay. Trên hết là xây dựng đạo luật riêng về nhà giáo – Luật Nhà giáo. Qua đó, giúp đội ngũ nhà giáo có cái nhìn tổng thể về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mình; an tâm công tác; đem hết tài năng, trí tuệ, bản lĩnh cống hiến cho sự phát triển toàn diện giáo dục.

Tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng giáo viên bằng quy định cụ thể của Luật Nhà giáo là đề xuất của ông Tạ Hồng Lựu. Theo đó, các tỉnh, thành phố giao cho ngành Giáo dục phối hợp với ngành Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh, thành phố tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn địa bàn, trên cơ sở biên chế được giao và số giáo viên thiếu do các huyện, thị xã, thành phố đề xuất tuyển theo từng năm học. Đồng thời, cần thực hiện tuyển dụng tập trung theo đơn vị tỉnh; bỏ bớt hoặc rút ngắn quy trình, quy định về thời gian tuyển dụng.

Về hình thức tuyển dụng và nguồn giáo sinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất gỡ khó bằng Luật Nhà giáo; trong đó quy định tăng cường kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong tuyển dụng giáo viên hoặc quy định “cứng” tuyển dụng giáo viên theo hình thức thực hành. Ngoài ra, luật này cần quy định điều chuyển giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thừa, thiếu giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ông Lê Tuấn Tứ cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết. Ngoài tháo gỡ khó khăn, bất cập về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, luật này còn góp phần nâng cao vị thế, vai trò đội ngũ. Đặc biệt, khi có luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thao-go-bat-cap-tu-luat-nha-giao-post661496.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thao-go-bat-cap-tu-luat-nha-giao-post661496.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ bất cập từ Luật Nhà giáo