Tháo gỡ khó khăn chuyển đổi số trong giáo dục ở ĐBSCL

27/05/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục phổ thông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua được quan tâm đầu tư và có khởi sắc. 

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục nhiều địa phương cũng xác định còn những khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, chuyển đổi số là lĩnh vực mới nên phần nào các trường cũng còn lúng túng khi thực hiện; ngành phải thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm, áp dụng các mô hình hay của các tỉnh bạn để tổ chức triển khai thực hiện.

Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục cũng chưa đảm bảo, nhất là ở các trường tiểu học và mầm non. Hiện, việc khai thác công nghệ thông tin và sử dụng của một số đơn vị còn hạn chế, nhất là ở cấp học mầm non, tiểu học…

Tháo gỡ khó khăn chuyển đổi số trong giáo dục ở ĐBSCL ảnh 1

Giờ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, nhận thức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số của một số cán bộ, giáo viên trong ngành còn chưa đầy đủ nên khi triển khai thực hiện còn gặp một số lúng túng, vướng mắc.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế. Khó khăn về kinh phí đã làm tiến độ thực hiện một số mục tiêu còn chậm… Một số địa phương vùng đặc biệt khó khăn, nhiều điểm trường lẻ ở xa trung tâm không được bố trí đủ chỉ tiêu, biên chế, đặc biệt là các môn học đặc thù: Tiếng Anh, Tin học nên rất khó khăn trong triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018…

Tại địa bàn vùng khó, vùng đồng bào dân tộc quá trình chuyển đổi số còn nhiều khó khăn hơn. Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiện gặp khó khi năng lực quản lý, năng lực dạy học của một số cán bộ quản lý, giáo viên tuy đạt chuẩn nhưng thực tế còn hạn chế ở một số mặt; ít cập nhật kiến thức mới, chậm đổi mới về quản lý, phương pháp dạy học tích cực, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên yếu công nghệ thông tin, giáo viên lớn tuổi; tâm lý ngại đổi mới, thụ động, khả năng thích ứng với Chương trình GDPT 2018 còn hạn chế…

Theo thầy Dương Sô Thol, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu), xã Vĩnh Hải là vùng đông đồng bào dân tộc nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận những vấn đề mới. Một số giáo viên, nhất là những giáo viên lớn tuổi, yếu công nghệ thông tin, ít nghiên cứu kỹ chương trình đổi mới nên lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ…

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng chuyển đổi số trong nhà trường, tỉnh quan tâm, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; Khuyến khích giáo viên có tinh thần tự học để nâng cao kiến thức, sáng tạo ra nhiều bài giảng hay kết hợp với các phương tiện nghe, nhìn để tăng cường hiệu quả dạy học, kích thích sự sáng tạo và tăng cường khả năng tự học, sự tìm tòi của học sinh theo từng lứa tuổi; Đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin cho các đơn vị, trường học để nâng cao hiệu quả trong dạy trực tiếp và học trực tuyến. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), để nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng số, ngoài công tác truyền thông, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thì việc áp dụng vào công việc và lấy hiệu quả công việc làm thước đo đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc chuyển đổi số. Phải làm cho giáo viên và học sinh thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi số thì mọi người sẽ ủng hộ và thực hiện một cách tự giác...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thao-go-kho-khan-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-o-dbscl-post640202.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thao-go-kho-khan-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-o-dbscl-post640202.html
Bài liên quan
Giảng viên trẻ miệt mài góp sức chuyển đổi số
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ (sinh năm 1980, Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) luôn có khát vọng góp sức nhỏ của mình cho sự phát triển của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ khó khăn chuyển đổi số trong giáo dục ở ĐBSCL