Tháo gỡ 'nút thắt' về chất lượng đào tạo sau đại học

11/10/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo các chuyên gia, đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc thực hiện các chuyên đề tiến sĩ còn mang tính hình thức, chưa coi trọng phương pháp nghiên cứu. Tính sáng tạo, những đóng góp mới, thiết thực có giá trị khoa học và thực tiễn của các luận văn, luận án trong thời gian gần đây tuy có tiến bộ, song chưa nhiều.

Không ít luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ chưa đủ tầm khoa học hoặc không giải quyết được vấn đề học thuật; chưa cập nhật trình độ phát triển khoa học công nghệ hay phục vụ thiết thực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học ở nước ta. Nhiều nghiên cứu sinh có số bài viết đủ mức quy định tối thiểu hoặc viết đối phó để lấy công trình, nên chất lượng bài báo chưa cao.

Sau đào tạo, nhiều cán bộ khoa học chưa hình thành được khả năng độc lập nghiên cứu và có thể xem đây là hạn chế căn bản của đào tạo sau đại học. “Thiết nghĩ, cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.

Nhằm tháo gỡ “nút thắt” về chất lượng đào tạo sau đại học, GS.TS Philip Hallinger đến từ ĐH Mahidol (Bangkok, Thái Lan) chia sẻ, các trường cần trả lời 3 câu hỏi: Quá trình thực hành bền vững như thế nào? Các trường đã dùng bao nhiêu nguồn năng lực cho quá trình đảm bảo bền vững? Nhà trường đã thực hiện như thế nào cho phát triển bền vững?

GS.TS Philip Hallinger nhận thấy, người học rất ham học nhưng đôi khi thách thức lại xuất phát từ phương pháp giảng dạy của giảng viên. Vì vậy, nguyên tắc mà các trường cần định hướng tới giảng viên là: Bạn đã làm gì để sinh viên yêu thích đến trường; hành động của bạn là gì để hỗ trợ cho việc dạy - học; định hướng, chỉ đạo của nhà trường như thế nào để giúp sinh viên học tập tốt nhất. Ngoài ra, các trường đại học không chỉ tập trung vào giáo dục, đào tạo theo truyền thống, mà cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường.

Để đạt được chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo sau đại học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề xuất, trước hết phải đảm bảo số lượng và chất lượng của các cơ sở đào tạo sau đại học; đồng thời bảo đảm đội ngũ giáo viên, nhà khoa học; tuyển chọn đúng đối tượng đào tạo, tức là phải tiến hành quy hoạch đào tạo.

Cùng với đó, rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo để có cơ sở đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng lĩnh vực, ngành khoa học nói riêng.

Ngoài ra, cần tiến hành phân cấp quản lý triệt để và toàn diện cho các cơ sở đào tạo sau đại học. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng cả về cơ chế chính sách và cơ quan giám sát; Hoàn thiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên, nhà khoa học, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để tạo động lực, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

TS Ngô Văn Hiệp nhấn mạnh, đổi mới đào tạo sau đại học là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày một sâu rộng. Tuy nhiên, việc này không được nóng vội mà cần tiến hành cẩn trọng theo định hướng khoa học với những giải pháp cụ thể, có tính khả thi.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thao-go-nut-that-ve-chat-luong-dao-tao-sau-dai-hoc-post656820.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thao-go-nut-that-ve-chat-luong-dao-tao-sau-dai-hoc-post656820.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ 'nút thắt' về chất lượng đào tạo sau đại học