Thầy cô ngóng trò đến lớp

08/09/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều phụ huynh tại Trường Tiểu học Hòa Bắc, điểm trường thôn Nam Yên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) không đồng ý cho con học ở trường mới xây...

Theo các phụ huynh, lý do là trường xa và nguy hiểm mỗi khi mưa lũ.

Chê trường mới vì… xa

Phản ánh với Báo GD&TĐ, hàng chục phụ huynh có con học Trường Tiểu học Hòa Bắc, điểm trường thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, năm học 2023 - 2024, trẻ sẽ chuyển sang cơ sở mới xây xa hơn cơ sở cũ.

Anh Đinh Xuân V. (trú thôn Nam Yên) có con học lớp 5 chia sẻ, trước đây Trường Tiểu học Hòa Bắc có 4 điểm trường gồm, thôn Nam Yên, Phò Nam, Nam Mỹ và Tà Lang – Giàn Bí. Năm 2021, UBND huyện Hòa Vang xây dựng ngôi trường mới tại thôn Phò Nam và đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024. Theo đó, tất cả học sinh tại điểm trường thôn Nam Yên, Nam Mỹ chuyển về cơ sở mới xây dựng tại thôn Phò Nam.

Anh V. cho biết, học sinh từ thôn Nam Yên sang thôn Phò Nam học khiến quãng đường đưa đón con xa hơn và nguy hiểm mỗi khi đến mùa mưa lũ. “Hầu hết dân Nam Yên làm nông và công nhân, bao lâu nay chúng tôi đưa đón con đi học gần và thuận tiện. Chưa kể mùa mưa lũ, đoạn đường con tôi đi học dễ ngập lụt. Như năm 2022, mưa lớn trong 1 giờ đồng hồ là nước đầu nguồn tràn về dâng cao từ 2 - 3m, có nơi sâu đến 4m rất nguy hiểm”, anh V. nói.

Bà Phạm Thị T. (trú thôn Nam Yên) có 2 cháu học lớp 2 và lớp 5. Cha mẹ làm công nhân nên việc đưa đón cháu đi học do bà phụ trách. “Tôi không biết đi xe máy, mỗi ngày đều dắt bộ hoặc chở các cháu đi học bằng xe đạp. Từ nhà đến điểm trường thôn Nam Yên khoảng 2km giờ chuyển sang Phò Nam phải đi thêm 2km nữa. Chưa kể, mỗi khi có mùa mưa bão khiến việc đưa đón các cháu rất cực. Nếu không kịp đón, nước lũ tràn về nhanh và nguy hiểm tính mạng”, bà T. cho hay.

Trường Tiểu học Hòa Bắc điểm trường thôn Nam Yên. ảnh 1
Trường Tiểu học Hòa Bắc điểm trường thôn Nam Yên.

Dồn điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục

Mặc dù năm học mới đã bắt đầu nhưng vì lý do trên, nhiều phụ huynh không cho con đến trường để phản đối việc dồn điểm lẻ về trường chính. Trước thực trạng trên, Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Bắc (TP Đà Nẵng) có buổi đối thoại với các phụ huynh thôn Nam Yên.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng, thời gian qua ngành Giáo dục huyện đã rà soát, đánh giá các điểm trường lẻ với mục tiêu tổ chức giảng dạy, quản lý được tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập.

“Huyện Hòa Vang thực hiện việc dồn ghép các điểm trường lẻ về trường chính nhiều năm nay. Khi đầu tư xây dựng trường, lớp mới sẽ đáp ứng được đầy đủ trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018”, ông Dũng nói đồng thời thông tin: Chủ trương dồn ghép các điểm trường lẻ được thực hiện quyết liệt và có kế hoạch cụ thể. TP đầu tư xây dựng điểm trường chính của Trường Tiểu học Hòa Bắc tại thôn Phò Nam, nhằm đưa học sinh các điểm trường lẻ về trường chính để thuận lợi cho việc giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

“Trường Tiểu học Hòa Bắc tại thôn Phò Nam đã xây dựng xong và tiến hành dồn ghép các điểm trường lẻ gồm: Thôn Nam Yên, An Định, Lộc Mỹ và Nam Mỹ về học tại trường mới. Người dân 2 thôn An Định và Lộc Mỹ chấp hành tốt. Còn người dân thôn Nam Yên không đồng tình”, ông Dũng chia sẻ.

Lý giải vấn đề của người dân cho rằng tại sao không xây trường bên thôn Nam Yên mà phải về thôn Phò Nam, đại diện UBND huyện Hòa Vang cho rằng, việc xây dựng được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch từ trước.

Lãnh đạo huyện Hòa Vang đối thoại với phụ huynh vào chiều 6/9. ảnh 2
Lãnh đạo huyện Hòa Vang đối thoại với phụ huynh vào chiều 6/9.

“Chúng tôi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Việc dồn ghép các điểm trường là tinh thần chung của Đảng và Nhà nước chứ không tự dưng xây trường rồi bắt học sinh từ thôn này qua thôn khác học”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang đồng thời khẳng định, khi học sinh về trường mới điểm trường cũ sẽ được tận dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi… với tinh thần không bỏ hoang, lãng phí. “Đối với người dân buôn bán trước điểm trường cũ nay gặp khó khăn về kinh tế khi học sinh chuyển trường mới, chính quyền sẽ hỗ trợ phù hợp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chia sẻ thêm.

Còn ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho hay, sáp nhập các điểm trường lẻ không đủ điều kiện về lại trường chính là chủ trương lớn. “Ở góc độ chuyên môn, việc chọn thôn Phò Nam xây dựng trường học quy mô lớn là phù hợp. Bởi trong quy hoạch chung của xã Hòa Bắc, thôn Phò Nam là trung tâm của xã được thành phố đầu tư các điều kiện hạ tầng đảm bảo”, ông Hùng khẳng định.

Dẫn chứng việc phụ huynh đi làm công nhân sớm và về trễ, không ai đón con, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang khẳng định, chính quyền sẵn sàng yêu cầu trường học mở cửa sớm để đón học sinh và trông thêm giờ khi phụ huynh đi làm về trễ. Trong điều kiện mưa lũ, trường sẽ chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang cũng lưu ý chính quyền địa phương xã Hòa Bắc tiếp tục vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu được chủ trương đúng, nhân văn. “Mong phụ huynh nhận ra cái đúng để sớm đưa con em đến trường. Chính quyền phải vận động bằng được phụ huynh đưa con đến lớp”, ông Hùng nhắn nhủ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Lê Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Hòa Bắc cho hay, nhà trường chia sẻ với những khó khăn và mong muốn phụ huynh thấu hiểu, sớm đưa con em đến trường mới để học.

“Trường có 348 học sinh. Trong đó tại thôn Nam Yên có 117 em nhưng 54 học sinh không đến trường. Bên cạnh việc vận động phụ huynh đưa con đến trường, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên đưa bài giảng lên nhóm Zalo lớp để các em tiếp cận kiến thức, đồng thời lên kế hoạch phụ đạo để các em bắt nhịp với chương trình học”, cô Xuân chia sẻ.

“Nếu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa đủ điều kiện mua phương tiện đi lại, tôi sẵn sàng kêu gọi nhà hảo tâm tặng xe đạp điện để các em sớm đi học. Tất cả vì tương lai các em”, ông Tô Văn Hùng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô ngóng trò đến lớp