Thầy cô vùng cao tạo động lực cho học sinh vượt khó

Dung Nguyễn | 17/02/2022, 10:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chứng kiến từng lứa học trò trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định là niềm hạnh phúc của giáo viên vùng cao. Đôi khi hạnh phúc của thầy cô chỉ đơn giản là học trò không nghỉ học, bỏ học vì đói.

Hạnh phúc của cô Thư là chứng kiến từng lứa học sinh học tốt và thành công.Hạnh phúc của cô Thư là chứng kiến từng lứa học sinh học tốt và thành công.

Hạnh phúc vì trò thành đạt

Hơn 13 năm gắn bó với ngôi trường PTDTNT huyện Đăk Glei (Kon Tum) cô giáo Lê Thị Quỳnh Thư đã dìu dắt, giáo dục biết bao thế hệ học trò. Cô Thư tâm sự, trong quá trình dạy cho các em học sinh có biết bao câu chuyện xúc động khiến cô mãi không quên.

Theo cô Thư có những học sinh hoàn cảnh rất khó khăn, đói nghèo đeo bám dai dẳng gia đình nên các em rất chật vật trên hành trình học chữ. Thương học trò, cô Thư thường xuyên động viên, hỗ trợ để các em tiếp tục với việc học con chữ.

“Mỗi năm khi chứng kiến các em học tốt, đạt thành tích cao trong học tập là niềm vui và hạnh phúc đối với mình.

Như trường hợp em Y Nhung mặc dù trước đây hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong học tập. Đến nay em Nhung đã thành công và thực hiện được ước mơ của mình. Dù đã ra trường nhiều năm nhưng những dịp lễ, Tết em vẫn nhớ và về thăm nên mình rất vui và xúc động. Hạnh phúc của mình chính là thấy các em học thật tốt và thành công trong cuộc sống”, cô Thư nói.

Để lan toả niềm vui và sự hạnh phúc của mình cô Thư thường xuyên kể những câu chuyện về học sinh nghèo vượt khó, thành công cho giáo viên và các em trong trường nghe. Từ đó, tạo động lực cho học sinh vượt khó, chăm chỉ học tập để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Học sinh trường PTDTNT huyện Đăk Glei.

Em Y B'Luyết (học sinh lớp 9, Trường PTDTNT huyện Đăk Glei) tâm sự, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nhiều học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Em may mắn hơn các bạn khi được đến trường gặp thầy cô, bạn bè và tiếp thu kiến thức trực tiếp.

"Niềm vui và hạnh phúc của em hiện nay là được đến trường học tập. Em hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng kết thúc để mọi người có cuộc sống bình thường và toàn bộ các bạn học sinh sẽ được đến trường học tập", Y B'Luyết chia sẻ.

Hạnh phúc của thầy Tùng

Thầy Tùng phát bánh mì cho học sinh.

Mấy tháng qua, 80 học sinh của điểm trường làng Bi Giông - Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) ấm bụng hơn vào mỗi sáng đến trường.

Thương học trò mang chiếc bụng đói đi học, thầy Vũ Văn Tùng (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp) kêu gọi bạn bè, mạnh thường quân hỗ trợ bánh mì, bánh bao cho các em ăn vào mỗi buổi sáng. Đều đặn cứ 4 giờ sáng, thầy Tùng thức dậy vượt hơn 40km đi lấy bánh mì và mang về trường phát cho học sinh.

Sau khi phát đủ bánh mì cho học trò, thầy Tùng không quên đến từng lớp hỏi thăm xem còn em nào đói hay cần thêm bánh mì. Thầy Tùng nhớ như in, vào buổi sáng ngày giữa đông một em học trò ngại ngùng giơ tay xin thầy thêm chiếc bánh mì để ăn trưa. Khi thầy hỏi chuyện thì được biết, bố mẹ em đi làm rẫy cả ngày, đến tối mới về nhà nên em không có đồ ăn trưa. Thương trò nghèo, mỗi ngày thầy Tùng đều phát thêm cho cậu học trò một chiếc bánh mì.

Thầy Tùng kể, học sinh ở đây đa phần là người dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập của gia đình các em chủ yếu phụ thuộc vào vài sào nương rẫy. Các em đến lớp đa số mang chiếc bụng đói hoặc ăn cơm nguội từ đêm qua.

“Trước đây cứ học được nửa buổi, một số em lại trốn về nhà để kiếm đồ ăn bởi sáng nhịn đói đến trường. Từ ngày có tủ bánh mì mình thấy các em chăm chỉ đến lớp, không còn đói bụng giữa buổi. Nhìn các em ăn ngon lành và no bụng mình thấy vui và hạnh phúc lắm. Mình hy vọng rằng tủ bánh mì sẽ được duy trì, nhân rộng hơn nữa để tiếp bước cho các em trên chặng đường học con chữ”, thầy Tùng tâm sự.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô vùng cao tạo động lực cho học sinh vượt khó