Phân bố điểm thi đánh giá năng lực các năm 2018 - 2023 (theo tỷ lệ phần trăm). Từ trái sang phải là các mốc điểm từ 0 đến 1.200. Ảnh: Đại học Quốc gia TPHCM |
Ngày 24/11, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết kỳ thi đánh giá năng lực giai đoạn 2018 - 2023, định hướng năm 2025. Nhiều chuyên gia đã góp ý nâng cao chất lượng của kỳ thi và đề ra một số giải pháp để cải thiện công tác tổ chức thi trong năm 2024 và 2025.
TS Nguyễn Thanh Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực cần mở rộng ra nhiều tỉnh thành, giúp học sinh vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận.
Trong khi đó, ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) nêu quan điểm không nên buộc thí sinh mang theo căn cước công dân, giấy báo dự thi, mà thay thế bằng xác nhận tài khoản định danh điện tử mức 2 trên điện thoại. Về việc cấp giấy xác nhận điểm, thay vì gửi về nhà, ông Cù Xuân Tiến gợi ý nên gửi bản điện tử cho thí sinh để giảm bớt chi phí.
Đồng tình với kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo hướng phát triển ổn định, TS Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM công bố nội dung thi cụ thể của từng môn sao cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Điều này để thí sinh chủ động trong quá trình học tập, chuẩn bị cho kỳ thi.
Một số chuyên gia đề xuất, Hội đồng thi cần rà soát ngân hàng câu hỏi cho phù hợp Chương trình GDPT 2018 và đảm bảo số lượng câu hỏi đủ cho ít nhất 5 kỳ thi. Đây là kỳ thi chung để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh nên công tác truyền thông, thông tin cần mạnh mẽ hơn nữa.
Tiếp thu các ý kiến trên, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, quan điểm của đại học này là kỳ thi phải đánh giá được những năng lực cơ bản nhất của việc học đại học như ngôn ngữ, tư duy logic, giải quyết vấn đề…
Do đó, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ cân nhắc về tỷ trọng câu hỏi ở các môn. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo sẽ công bố chi tiết thang điểm của mỗi phần thi, tạo cơ sở cho các trường đại học chọn tổ hợp xét tuyển cũng như quy định hệ số điểm từng môn phù hợp với nhu cầu tuyển sinh.
Điểm số tối đa của bài thi đánh giá năng lực là 1.200, trong đó điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; Giải quyết vấn đề 500 điểm. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và phân biệt của câu hỏi. Trong những năm qua, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của các trường đại học tốp đầu hoặc các ngành “hot” ở mức 800 - 1.000 điểm; tốp giữa 600 - 700; một số trường chỉ lấy điểm chuẩn mức 500 - 600.