Thấy gì từ những thương vụ tỷ USD doanh nghiệp ngoại 'gom' bất động sản?

26/03/2023, 12:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước đang chật vật đáo hạn trái phiếu, trả lãi ngân hàng, tìm cách duy trì hoạt động thì hàng loạt quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài lại âm thầm đi thâu tóm quỹ đất, tăng cường sáp nhập và mua lại (M&A).

Tương tự, một “ông lớn” ngành bán lẻ lớn hàng đầu Thái Lan, đã hoạt động tại Việt Nam đã được 10 năm là Central Retail công bố đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bất động sản Việt Nam để phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong tổng số gần 3,1 tỷ USD vốn ngoại (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, bất động sản chiếm 396 triệu USD, đứng thứ 2 trong các lĩnh vực hút FDI mạnh nhất. Tuy nhiên, nếu tính cả số tiền rót vào các khu công nghiệp, con số sẽ là hàng tỷ USD.

Đơn cử như tại Bình Dương, trong 2 tháng đầu năm 2023, 90% vốn FDI trên địa bàn tỉnh “chảy” vào mảng bất động sản. Cụ thể, tỉnh đã thu hút 19,7 triệu USD vốn đầu tư cho 7 dự án mới, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Lo mất lợi thế sân nhà

Theo các chuyên gia, bất chấp những biến động và khó khăn đang diễn ra, bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là vùng đất tiềm năng, được các doanh nghiệp quốc tế quy mô lớn săn đón. Điều này đã nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia khi cho rằng thị trường nội địa có nhiều bất ổn sẽ làm giảm đi dòng vốn ngoại.

Ông Hoàng Kim Hoài - Tổng Giám đốc Phúc Điền Land - cho biết, yếu tố hấp dẫn nhất của bất động sản Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng, dư địa phát triển còn rất lớn nên thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang chịu sức ép từ hàng loạt khó khăn về pháp lý, áp lực trả nợ ngân hàng, đáo hạn trái phiếu nên phải chào mời nhà đầu tư nước ngoài với cơ chế uyển chuyển, giá dễ chịu hơn trước. Ông Hoài đánh giá, giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư ngoại thâm nhập và mở rộng danh mục đầu tư. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 mới xuất hiện nhiều thương vụ thành công, có thể lên tới hàng tỷ USD.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - nói rằng, các quỹ đầu tư ngoại thâu tóm thị trường là điều đã được ông cảnh báo rất nhiều lần, từ nhiều tháng trước.

Thấy gì từ những thương vụ tỷ USD doanh nghiệp ngoại 'gom' bất động sản? - 3

Nhiều chuyên gia lo ngại, doanh nghiệp bất động sản sẽ mất lợi thế trên sân nhà.

Theo ông Châu, thời gian qua, một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để... tồn tại. Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO) và điều này sẽ tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40% giá hợp đồng.

“Việc bán dự án với giá hời tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính thị trường, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Theo (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/thay-gi-tu-nhung-thuong-vu-ty-usd-doanh-nghiep-ngoai-gom-bat-dong-san-post1520265.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/thay-gi-tu-nhung-thuong-vu-ty-usd-doanh-nghiep-ngoai-gom-bat-dong-san-post1520265.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ những thương vụ tỷ USD doanh nghiệp ngoại 'gom' bất động sản?