Trong thời gian học tập tại Trường Phùng Khắc Khoan, Sơn đã được các thầy cô giáo phát hiện và tiếp tục bồi dưỡng. Đặc biệt, thầy hiệu trưởng Nghiêm Hồng Trung là người tốt nghiệp đại học sư phạm Vật lý, từng đạt giải Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc là người có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và ôn luyện của Sơn.
Từ ngày nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường, thầy Trung đã mang đến cho trường Phùng Khắc Khoan thành tích nổi bật trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trước đó, nhà trường đã có một học sinh đạt giải quốc gia môn Văn. Còn giải thành phố, giải cấp cụm trường thì nhiều không đếm nổi.
"Trước đây khi đi thành phố, nhà trường chỉ thuê xe 4 chỗ để chở học sinh đi thi, có năm còn không phải thuê vì không có học sinh đi thi. Còn những năm gần đây, nhà trường đã phải thuê riêng một chuyến xe 45 chỗ để chở cả thầy lẫn trò, mà còn chật ních"- cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Không nhận công lao về phía mình, thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan bộc bạch: Sơn là một học sinh đặc biệt, được phát hiện ngay từ khi tuyển sinh vào lớp 10 của nhà trường. Dù điểm đầu vào của Sơn không cao nhưng em lại từng đạt giải học sinh giỏi thành phố môn Vật lý. Do đó, nhà trường đã quan tâm đến việc bồi dưỡng cho Sơn môn học này.
Thế Sơn trao đổi bài cùng các bạn. |
Đầu tiên, thầy hiệu trưởng đã trực tiếp cho Sơn làm một bài test tư duy để khẳng định rằng học sinh của mình có năng lực và cần tiếp tục được bồi dưỡng. Thầy cũng trực tiếp xếp lớp học cho Sơn để em có thể phát huy được tối đa năng lực của mình. Cùng với đó, thầy đã kết nối với nhiều giáo viên giỏi ở nội thành để nâng cao kiến thức cho học trò.
Ngoài các giờ học trên lớp, vào mỗi buổi cuối tuần, thầy đến trường làm việc và gọi Sơn lên để bồi dưỡng. Phòng làm việc của thầy là một phòng thí nghiệm Vật lý thu nhỏ với rất nhiều thiết bị hiện đại. Với tư chất thông minh Sơn học rất nhanh, và ngay trong kỳ đầu lớp 10, Sơn đã đạt giải Nhất môn Vật lý lớp 11 cụm trường THPT Thạch Thất - Quốc Oai.
Sang năm học 2022-2023, Sơn được thầy hiệu trưởng bố trí học cùng 4 Anh chị lớp 12 và học kiến thức lớp 12. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, Sơn xuất sắc nhất nhóm, và được cử đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Đạt giải nhì kỳ thi cấp thành phố, Sơn tiếp tục gây ngạc nhiên khi tiếp tục đạt giải Ba cấp quốc gia.
Theo thầy Trung, để đào tạo một học sinh giỏi quốc gia tại một trường huyện có đầu vào thấp là một quá trình rất công phu. Bí quyết của thầy và nhà trường đạt được có lẽ là sáng kiến "siêu liên kết", giúp học trò có thể tiếp cận các thầy cô giỏi từ các trường đại học và các trường chuyên ở nội thành, bên cạnh những tâm huyết của các thầy giáo 'trường làng'.
Thầy Nghiêm Hồng Trung bộc bạch: "Tôi chỉ là một giáo viên bình thường không có công gì trong việc đạt giải của Sơn. Tôi có thể dạy học sinh để có giải học sinh giỏi cấp thành phố, nhưng cấp quốc gia thì vượt quá khả năng của tôi, tôi không đủ năng lực làm điều ấy. Đã có những thầy cô khác, ở một môi trường khác đã dạy Sơn, và tôi biết ơn về điều đó".