Dưới người cha và người mẹ là các con, bao gồm cả con trai, con gái (chưa chồng), con dâu nhưng không có con rể.
Cấp bậc thấp nhất trong một gia đình Peranakan là người hầu (còn gọi là majie). Một majie thường là nữ giúp việc đã thề sống độc thân. Đồng phục của họ gồm dép, áo dài, áo cánh màu trắng và một chiếc quần đen. Họ làm mọi việc từ nấu nướng, dọn dẹp, nuôi dạy con cái của chủ, phục vụ đồ ăn thức uống, làm việc vặt và nhiều việc không tên khác khi chủ yêu cầu. Majie có thể sống ngay tại nhà chủ hoặc thuê một căn phòng rẻ tiền trong thị trấn hoặc thành phố.
Một gia đình Peranakan giàu sẽ có nhiều người hầu. Gia đình kém khá giả hơn thì cũng có ít nhất một người hầu, gọi là "yat kiok tek" - tiếng Quảng Đông có nghĩa là "đá một chân" - ngụ ý người này phải đảm đương mọi việc nặng nhọc trong nhà.
Đồ nội thất chạm khắc công phu tại một ngôi nhà của người Peranakan có niên đại từ thế kỷ 19. Ảnh: National Geographic
Cùng với việc phân cấp, mỗi người trong gia đình có nghĩa vụ và những kỳ vọng riêng.
Người cha làm việc, kiếm tiền, đảm bảo tài chính và lo cho sự thăng tiến của gia đình. Người mẹ ở nhà, điều hành công việc trong gia đình, bao gồm quản lý người giúp việc và kiểm soát chi tiêu trong nhà từ khoản tiền mà chồng giao cho. Các khoản tiền lớn do người cha (trụ cột gia đình) quyết định, còn các khoản chi sinh hoạt hàng ngày là do người mẹ quán xuyến.
Con trai đủ tuổi có thể đi làm, phụ giúp công việc kinh doanh của cha hoặc đi học. Con gái phải học nhiều kỹ năng khác nhau như nấu ăn, dọn dẹp, may vá, xay gia vị... Việc thành thạo các kỹ năng này nhằm thể hiện họ là phụ nữ chu đáo, kiên nhẫn, sáng tạo và thông minh. Các yếu tố hoàn hảo để tiến tới hôn nhân trong tương lai.
Những cô gái chưa lập gia đình không được phép xuất hiện ở nơi đông người, ngoại trừ những dịp đặc biệt. Điều này chỉ kết thúc sau khi họ kết hôn.
Phần lớn các gia đình Peranakan, dù đã trải qua nhiều thế hệ kể từ khi những người đầu tiên được sinh ra, vẫn giữ tín ngưỡng của người Trung Quốc. Một số tín ngưỡng của người Peranakan như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ Đạo giáo, Phật giáo hay hiếu thảo kiểu Nho giáo.
Người Peranakan thường quan tâm đến giao tiếp xã hội, may vá hoặc kết cườm (với phụ nữ), hút thuốc (nam giới) và nhai trầu (phụ nữ).
Dù duy trì tín ngưỡng và văn hóa của Trung Quốc, nhưng người Peranakan vẫn được xem là một nhóm người khác biệt so với các nhóm người Trung Quốc di cư khác. Theo trang Espoletta, người Peranakan xuất thân trong tầng lớp giàu sang hơn so với hầu hết các nhóm di cư người Trung Quốc. Họ sống trong điều kiện tốt hơn, có nhà đẹp, quần áo, đồ trang sức lộng lẫy.
Những tưởng “thế giới” của người Peranakan sẽ tiếp tục phát triển thì những bước ngoặt lớn bất ngờ xuất hiện, dẫn đến sự suy tàn của họ.
1