Trần Thúy Nga chia sẻ: Thư viện ra đời lúc đầu chỉ là mong muốn xoa dịu nỗi đau và khỏa lấp thời gian của tôi. Nhưng càng gắn bó, trí tuệ rộng mở, tôi sống tích cực hơn. Từ một đứa trẻ bất lực đến nỗi oán trách số phận, tự hỏi sao lại sinh tôi ra trên đời với bệnh tật, tổn thương tâm hồn, thì giờ tôi lại biết ơn vì mình đã được sinh ra. Xung quanh tôi luôn có yêu thương của mẹ, của anh chị, người thân, và nhiều bạn bè. Tôi nghĩ, ai được sinh ra đều là một món quà, và mang một sứ mệnh nào đó ở trên đời, bao gồm cô gái tý hon như tôi!
Năm 2021, Trần Thúy Nga là 1 trong 50 gương mặt xuất sắc của cả nước và là đại diện duy nhất của Nghệ An được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trao giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Năm 2019, sau hơn 20 năm quen với cuộc sống trên chiếc xe lăn, Trần Thúy Nga lần đầu tiên “phơi bày” cuộc đời của mình lên trang giấy khi viết bài dự thi “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”. Lúc bấy giờ, các khớp xương của Nga tổn thương, không tự mình sinh hoạt cá nhân được, bàn tay cũng co rút, biến dạng. Thúy Nga vẫn nắn nót viết gần chục trang giấy.
“Tôi cân nhắc rất nhiều, kể cả lúc đã bắt đầu viết. Tôi sợ mọi người sẽ thương hại mình, khi biết tôi tàn tật, hoàn cảnh éo le. Nhưng tôi quyết định không im lặng nữa, mà chọn chia sẻ, cũng là để tự vượt qua chính nỗi ám ảnh đeo đuổi bản thân những năm tháng dài”, Thúy Nga chia sẻ.
Nga trải lòng, khi còn ở Sài Gòn điều trị, anh chị thường mua sách đem vào bệnh viện để em gái đọc cho đỡ buồn, quên bớt nỗi đau thân thể. Những câu chuyện trong sách “Hạt giống tâm hồn” đã nuôi dưỡng niềm tin yêu vào cuộc sống của Nga.
Trở về nhà, không thể bước đi, cuộc sống đóng đinh trên chiếc xe lăn, trong gian nhà cấp 4 nhỏ bé, thì sách giúp Nga biết thêm nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện. Cũng nhờ sách, mà Nga có những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong đời. Và cuộc gặp khiến Nga thức tỉnh khỏi những tháng ngày chìm trong tuyệt vọng, bất lực, oán trách số phận là “Không gục ngã” của tác giả Bích Lan.
“Đó là cuốn tự truyện, mà qua cuộc đời của chị Bích Lan, dường như tôi nhận thấy một phần mình trong đó. Chị cũng mang trong mình căn bệnh hiếm gặp khiến cơ thể yếu ớt, chịu đau đớn khủng khiếp. Nhưng chị đã bước qua hầm tối bằng con đường tự học và tìm thấy ánh sáng…, đó chính là niềm vui và hạnh phúc khi chị được làm công việc yêu thích.
Chị dịch sách, viết sách. Chị gieo những hạt mầm tích cực và động lực mạnh mẽ đến tôi và tất cả mọi người. Chị đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, tìm thấy sứ mệnh của mình”, Nga chia sẻ.
Sau đó, qua báo chí, Trần Thúy Nga còn biết đến nhiều cuộc đời khác. Đó là bạn Phương Thúy ở Phú Thọ, cũng bị bệnh viêm đa khớp nhưng có thể viết thơ, làm văn; anh Công Hùng ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), bị xương thủy tinh tàn phá cơ thể vẫn có thể trở thành “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”… Cô gái tý hon tâm sự: “Đọc họ, tôi rất khâm phục, cũng bị bệnh rất nặng nhưng họ không đầu hàng số phận, mà vẫn chiến đấu, vươn lên. Và tôi cũng khát khao được như họ, muốn mình dám sống một cuộc đời đúng nghĩa”.
Thư viện miễn phí Thúy Nga
Các bạn nhỏ đến đọc và mượn sách tại thư viện miễn phí Thúy Nga. Ảnh: NVCC |
“Những ngày đầu, khi thấy tôi mê đọc, chị gái tôi đã gửi cho tôi rất nhiều sách và gợi ý tôi có thể cho thuê để kiếm tiền mua thêm sách mới. Tôi nghe theo, cho mọi người trong xóm thuê truyện với giá chỉ 200 đồng/quyển. Dù rất ít ỏi, nhưng đó là lần đầu tiên kiếm được khoản tiền của riêng mình.
Dần dần, với việc có nhiều bạn học sinh, bà con xung quanh đến thuê sách, tôi có sự háo hức, mong đợi mỗi ngày, đó là được gặp, nói chuyện, chia sẻ với mọi người. Tôi mua thêm nhiều sách mới, ngoài truyện còn có văn học kinh điển, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe…”, Nga nhớ lại.
Nhưng quan sát, Nga thấy mọi người thường chỉ mượn sách giải trí, còn những sách cung cấp kiến thức khác thì không mấy hào hứng. Vì vậy, những loại sách này, Nga không cho thuê, mà cho mượn đọc miễn phí với điều kiện riêng.
Ví dụ sau khi đọc xong viết lại đoạn suy nghĩ, cảm nhận của mình, hoặc học được gì từ cuốn sách đã đọc. Các em học sinh nếu ghi lại được những việc tốt mình làm mỗi ngày, giúp đỡ bố mẹ, thầy cô, hoặc các bạn thì sẽ được thưởng bằng việc mượn sách giải trí tự chọn miễn phí.
Đến năm 2004, khi thấy mọi người đọc đa dạng sách, Thúy Nga chính thức mở thư viện miễn phí. Để có tiền duy trì hoạt động, Nga được mẹ và anh chị giúp đỡ mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, bán nông sản như lạc, đậu, tinh bột nghệ, bột sắn dây… “Tôi cũng chuyển dần sang lối sống tối giản, vì hầu như không thể ra ngoài và không có nhu cầu gì cho bản thân”, Nga nói.
Cô gái bắt đầu sử dụng Facebook vào năm 2011, nội dung chủ yếu là thư viện với những bài viết chia sẻ về không gian đọc giản dị của mình, hoặc viết những đoạn giới thiệu sách mới.
Sự lan tỏa của mạng xã hội đã giúp thư viện miễn phí Thúy Nga được rất nhiều bạn đọc, học sinh trong huyện Tân Kỳ biết và tìm đến. Trong suốt thời gian đó, hình ảnh của Trần Thúy Nga trên Facebook là cô gái tích cực, gương mặt luôn nở nụ cười.
“Không ai biết tôi bị đau, không còn đi lại được nữa, phải ngồi xe lăn. Tôi muốn được nhìn nhận như một người bình thường. Cho đến cuộc thi viết “Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời”, tôi mới quyết định lộ diện, để chính tôi và mọi người chấp nhận con người thực tế của mình”, Nga nói.
Bài viết được trao giải Ba, và bất ngờ hơn mong đợi, Nga nhận được rất nhiều sự sẻ chia, đồng cảm, khâm phục. Cùng với đó là sự kết nối với những số phận, hoàn cảnh tương tự khác.
Lần này, Nga lại trở thành người đi chữa lành cho những phận đời ấy. Nga cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ, tặng sách từ khắp mọi miền đất nước cho thư viện miễn phí ở làng quê Nghĩa Đồng.
Giờ đây, cô gái tý hon đã có một gia tài sách đồ sộ. Thúy Nga cũng được các đơn vị tài trợ, xây dựng thư viện mới gồm dãy nhà cấp 4 rộng rãi, khang trang chuẩn bị khánh thành.
Mỗi ngày, Nga vẫn cặm cụi ngồi trên xe lăn đóng gáy sách để giữ sách được bền hơn. Tay đau, khớp cứng, nhưng Nga vẫn cứ bận rộn như vậy, không còn thời gian để buồn nữa.