Đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên văn của Trường Phổ thông Năng khiếu năm 2025 đã đưa ra một chủ đề thú vị và đầy tính thời sự: "Thế hệ cợt nhả".
Chủ đề này được khơi gợi từ nhận định của nhân vật Nam trong truyện ngắn "Nụ cười" của nhà văn Nam Cao về người bạn Hoạt: "Lặng lẽ mà chịu những cái khó chịu hàng ngày, lặng lẽ mà đau đớn khi nỗi đau đớn không tránh được, lấy nụ cười mà che đậy cái buồn riêng của mình, để người chung quanh khỏi buồn lây... Thế cũng là can đảm, mà lại là một thứ can đảm ít người có được." Từ đó, đề thi đặt ra vấn đề về "thế hệ cợt nhả" và yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình.
Theo chú thích trong đề thi, "thế hệ cợt nhả" là khái niệm thể hiện tinh thần vui vẻ, hài hước, hay đùa nghịch, tạo ra tiếng cười của thế hệ trẻ ngày nay trong các hoàn cảnh, tình huống đời sống. Khái niệm này đang được sử dụng phổ biến nhưng cũng gây ra nhiều tranh luận với những góc độ nhìn nhận khác nhau.
Thời gian qua, những cụm từ như "Chill đi", "Vượt mức Pickleball", "Cơm nước gì chưa người đẹp", "Chưa đủ wow"... đang được Gen Z (những người sinh từ 1997 đến 2012) sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày, thậm chí trong cả môi trường làm việc.
Phong cách giao tiếp này được xem là một phần của xu hướng mang tên "Khi thế hệ cợt nhả tham gia thị trường lao động". Xu hướng này bắt nguồn từ những video vui vẻ, hài hước trên TikTok, sau đó lan rộng sang các nền tảng mạng xã hội khác và trở thành một "hiện tượng văn hóa mạng" được Gen Z hưởng ứng mạnh mẽ.
Trên mạng xã hội, các bài đăng, video gắn mác "thế hệ cợt nhả" thu hút hàng triệu lượt xem, được bàn tán sôi nổi. Nhiều group (hội nhóm) Facebook như "Thế hệ cợt nhả đi làm" ra đời, trong đó nhóm đông nhất với gần 100.000 thành viên.
Ở một góc nhìn khác, "thế hệ cợt nhả" còn được cho là sự không nghiêm túc theo cách truyền thống, thay vào đó là sự biến tấu, phá cách, hài hước, linh hoạt. Cụm từ này cũng thường được dùng để nói về việc thiếu khuân khổ, kỷ luật hay "quá trớn", "lầy lội" của nhân sự trẻ ở môi trường công sở.
Đề thi ngữ văn ra về vấn đề này đòi hỏi thí sinh có góc nhìn nhận đa chiều, hiểu rõ nguồn gốc, đặc điểm và tác động của nó để đưa ra những mặt tích cực và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực.