Ảnh minh họa
Khi sang Mỹ theo diện học sinh trao đổi ở trường trung học, Vương Thực Dục sống với một gia đình bản xứ. So với trẻ em Trung Quốc suốt ngày học và làm bài tập về nhà, cô nhận thấy bạn bè Mỹ đồng tuổi có vẻ vui vẻ và thoải mái hơn. Cô bắt đầu cảm thấy có lỗi với chính mình. Sự giáo dục kiểu "nuôi gà" đã khiến cô dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học. Việc không được nghỉ ngơi cho đến khi làm xong bài tập về nhà giống như một điều hiển nhiên mà đến tận năm 16 tuổi, cô mới lần đầu nghi ngờ.
Nguyên nhân của kiểu giáo dục "chỉ biết học" đến từ việc cạnh tranh trong xã hội ngày càng tăng. Cả người làm cha mẹ lẫn con cái đều bị áp lực trước những tiêu chuẩn quá cao và luôn cảm thấy rằng mình làm chưa đủ tốt.
Vương Thực Dục phân tích nguồn gốc của tình thế tiến thoái lưỡng nan mà cô gặp phải lúc đó: Những người như cô thuộc thế hệ con một từ nhỏ đã được cha mẹ, thầy cô và xã hội đặt nhiều kỳ vọng. Họ bị kìm cặp trong tư tưởng phải học, phải nỗ lực hết sức mới có thể thành công và hạnh phúc. Nhưng khi trưởng thành, khi đối mặt với thế giới thực đa dạng phức tạp, sự thất vọng, bất lực cũng như những nghi ngờ về giá trị bản thân xuất hiện đã khiến họ sụp đổ. Bước ra khỏi cuộc đời không có gì khác ngoài sách vở và sự bảo bọc của cha mẹ, sự chuyển đổi từ "hy vọng" sang "thất vọng" gần như đã đè bẹp họ.
Những "gà con" dần mất kiểm soát cuộc sống và gặp khủng hoảng hiện sinh. Họ không còn hứng thú với cuộc sống cho đến khi mắc chứng trầm cảm hoặc chọn sống theo kiểu buông xuôi, không còn muốn nỗ lực cố gắng vì cảm thấy không có động lực.
Ảnh minh họa
Bản thân mẹ của Vương Thực Dục cũng đã hối tiếc vì cách dạy con của mình. Bà cho biết: "Nếu tôi có thể làm lại, khi con gái muốn giúp tôi nấu cơm, tôi sẽ dạy con cách nấu nướng thay vì nói vào phòng học bài đi. Nếu có thể làm lại, tôi sẽ trả lại tuổi thơ cho con, để con ra đi tìm kiếm hạnh phúc, để hạnh phúc đi cùng con bé suốt cuộc đời".
Làm chủ cuộc sống của chính mình là mong muốn bản năng của mỗi người và đó cũng là một khả năng cần phải học hỏi trong suốt cuộc đời. Thế nhưng những đứa trẻ "gà con" đã bị cắt bỏ kỹ năng này từ khi còn trong trứng nước, trở thành sản phẩm công nghiệp của cha mẹ. Nhân danh "vì tốt cho con", họ liên tục xâm phạm ý chí chủ quan của con trẻ, hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của con. Tồn tại trong một thời đại quá cạnh tranh, quá nhiều tiêu chuẩn đánh giá bên ngoài, cả hai thế hệ đã bị cuốn vào một vòng xoáy độc hại như vậy.