Cần phải nhắc lại và nhấn mạnh, thị hiếu và nhu cầu thần tượng là quyền riêng tư của mỗi người. Vì vậy, sẽ là vô lý và khắt khe nếu người lớn quy kết theo quan điểm cá nhân và lăng kính thế hệ mình. Sự khác biệt này thực sự gây ra nhiều xung đột về quan niệm, giá trị. Khi giới trẻ gặp phải sự cấm cản hoặc can thiệp quá đáng của người lớn, chúng sẽ tổn thương và có thể dẫn đến hành vi chống đối. Thiết nghĩ, những lời cảm thán kiểu như “không biết thế hệ này sẽ đi về đâu”; “giá như nó cũng yêu cha mẹ nó như ca sĩ X kia” là không cần thiết...
Thời đại học, tôi được học môn Giáo dục giá trị trong chương trình đại cương. Góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là môn học cần thiết và bổ ích. Có những thang giá trị được đề cập tới như: Gia đình, hôn nhân, tình yêu, tình bạn, nghề nghiệp, sức khỏe, hạnh phúc, địa vị… Thầy cô không trang bị theo kiểu tuyên ngôn mà thường đưa ra gợi ý, chỉ dẫn, tạo môi trường tranh luận cho người học. Việc lựa chọn và định hướng phụ thuộc vào nhận thức và điều kiện thực tế của mỗi người. Tuy nhiên, có một điểm chung, đó đều là những giá trị tích cực, có ích.
Trở lại với chủ đề thần tượng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Rõ ràng, chúng ta đang sống trong một thời đại đa dạng về giá trị, thậm chí đôi lúc phải loay hoay lựa chọn và tìm hướng đi cho mình. Tuổi mới lớn với những hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm sống, vì thế cần hơn sự định hướng từ người lớn.
Để làm tốt việc này, trước hết chúng ta cần đặt mình vào vị trí lứa tuổi của các em, từ sự đồng cảm mà đề cao tôn trọng thị hiếu riêng tư nếu điều đó không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nói chung cũng như việc học tập, rèn luyện và lối sống, ứng xử nói riêng. Những người gần gũi và có tầm ảnh hưởng như cha mẹ, thầy cô bằng sự dân chủ, chân thành để khéo léo nắm bắt tâm lý và tinh tế trong chia sẻ, khuyên nhủ nhằm trang bị cho trẻ thế giới quan đúng đắn.
Thần tượng là một chủ đề không còn xa lạ và sẽ tiếp tục biến đổi đa dạng trong đời sống xã hội, bộc lộ màu sắc phong phú ở nhiều lứa tuổi và có sự khác biệt nhất định trong nhận thức thế hệ. Việc quy kết và áp đặt đúng - sai, nên - không nên không phải là cách phản ứng hợp lý. Thay vào đó cần một cái nhìn rộng rãi, khách quan hơn trên nền tảng thấu hiểu và cảm thông. Khi biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, chúng ta sẽ có những lý giải thấu đáo, bày tỏ quan điểm tích cực hơn với hiện tượng tâm lý xã hội này.