Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, có thêm 592 chương trình đào tạo và 12 cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định.
Trong đó, số chương trình đào tạo kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước là 447 chiếm 75,5%. Số chương trình đào tạo được kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài là 145 chiếm 24,49 %.
Số cơ sở giáo dục được kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước là 10 cơ sở giáo dục chiếm 83,3%; kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài là 2 cơ sở giáo dục chiếm 16,7%.
Với kết quả kiểm định đạt được cho thấy: toàn hệ thống đến thời điểm báo cáo, với 204/239 cơ sở giáo dục ĐH đã được kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 85,35%. Hiện chỉ còn hơn 30 cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện kiểm định chất lượng chu kỳ 1. Tổng số có 1.855 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Văn hoá chất lượng ngày càng được hình thành và phát triển trong hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam.
Kết quả kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH trong thời gian qua đã phản ánh sự nỗ lực của cơ sở giáo dục ĐH trong việc thực hiện trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.
Mạng lưới tổ chức kiểm định cũng được củng cố và phát triển. Trong năm 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã công nhận hoạt động đối với 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam gồm: ACBSP, ABET, THE-ICE, ACQUIN.
Hiện, số lượng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam là 10 tổ chức cùng với 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đang hoạt động.
Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục giáo dục ĐH và đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên.
Triển khai thực hiện quy định mới về bồi dưỡng kiểm định viên tại Thông tư số 14/2022/TT-BGD&ĐT, trong năm học 2023-2024 đã có 6/7 tổ chức kiểm định chất lượng tổ chức đào tạo bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ sát hạch kiểm định viên cuối năm 2024 cho gần 500 người và cấp thẻ kiểm định viên cho 169 người đạt yêu cầu sát hạch tăng tổng số kiểm định viên có thẻ lên 513 người.
Số lượng các trường đại học được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới ngày một tăng. Điều đó cho thấy, các cơ sở giáo dục ĐH đã ý thức rất rõ trách nhiệm kiểm định và coi đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao chất lượng nhà trường và cũng là một tiêu chí để tăng cường hội nhập quốc tế.
Thông qua các hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi dẫn đến thay đổi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Đặc biệt là sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo theo chuẩn đầu ra tiến tới theo năng lực của người học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của cơ sở giáo dục ĐH và CĐ sư phạm.
Mặc dù xếp hạng đại học là tự nguyện và không bắt buộc đối với các trường nhưng qua số lượng các trường tham gia tăng trong thời gian qua, cùng với ngày càng có nhiều trường đăng ký tham gia kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục ĐH đối với các tổ chức kiểm định uy tín của nước ngoài cho thấy tín hiệu tốt về việc hội nhập quốc tế của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Qua xếp hạng, kiểm định giúp các trường bảo đảm, đối sánh cải tiến chất lượng; cải thiện chất lượng nghiên cứu, định vị được mình đang ở đâu trong bản đồ giáo dục ĐH thế giới để phát triển và nâng cao chất lượng là nỗ lực lớn của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Đây chính là một trong những tác động tích cực đáng kể từ chính sách tự chủ đại học.