Học đường

Thi lớp 10 được 15 điểm/3 môn, nam sinh Hà Nội chốt 1 câu nhận gần 20 ngàn lượt thích nhưng lại gây tranh cãi!

Hiểu Đan, 07/07/2024 11:07

Nhiều người cho biết câu nói của nam sinh giúp họ nhẹ lòng. Nhưng một luồng ý kiến chê thanh niên này suy nghĩ phiến diện.

Thời điểm công bố điểm thi, đặc biệt là thi vào lớp 10, bao giờ cũng là lúc phụ huynh và học sinh trải qua đủ tâm trạng trái ngược. Người buồn, người vui, người hạnh phúc, người đau lòng. Cũng có người lạc quan, tìm được điểm sáng giữa lúc chới với vì thất vọng vì không vào được ngôi trường như mơ ước.

Như một nam sinh Hà Nội mới đây, dù thi 3 môn được 15 điểm nhưng em vẫn thể hiện sự tích cực, không cảm thấy buồn. Lý do nam sinh này đưa ra là: "Sau này người ta chẳng hỏi bạn được bao nhiêu điểm, chỉ hỏi bạn lương bao nhiêu mà thôi".

Quan điểm của nam sinh này nhận về nhiều tranh cãi.

Thi lớp 10 được 15 điểm/3 môn, nam sinh Hà Nội chốt 1 câu nhận gần 20 ngàn lượt thích nhưng lại gây tranh cãi! - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Lạc quan là tốt nhưng đừng ngủ quên trên sự "thất bại"

Nhiều người cho biết câu nói của nam sinh giúp họ nhẹ lòng. Có thể thấy, con đường học tập không phải là đường thẳng một chiều mà sẽ có những khúc cua, khúc ngoặt, sẽ có lúc mỗi học sinh rẽ lối đi khác. Có nhiều con đường để thành công, chỉ cần bản thân nỗ lực, cố gắng phấn đấu.

Nhiều người nhận định, cái tích cực của em học sinh này là dù điểm thấp nhưng tự biết động viên tinh thần. Trên thực tế, không ít em vì thất bại trước kỳ thi mà nghĩ quẩn hay tinh thần sa sút. Lạc quan những lúc khó khăn thế này sẽ là động lực để các em tự tin bước tiếp. Khi bạn đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn thất bại thì cần quên đi nỗi buồn để tìm hướng đi mới phù hợp với năng lực, điều kiện của mình. Cứ nỗ lực lên rồi thành công sẽ tới.

Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, dù tự an ủi, động viên cho đỡ áp lực nhưng phải công nhận một điều, tỷ lệ thành công của người học hành giỏi giang vẫn cao hơn. Không ngẫu nhiên mà người ta cho rằng, học hành là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công.

Cách nghĩ của nam sinh nói trên, nếu nhiều người hiểu sai sẽ vô tình cổ súy cho việc học tập không đến nơi đến chốn. Bạn có thể không vào trường cấp 3 tốt, không học đại học vẫn có thể kiếm được tiền sau này. Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào đại học, nhưng đại học làm tăng năng lực nhận thức của mỗi người, cái gọi là "dân trí" (nhận thức, văn hóa) trong chính chúng ta. Khi mà một bạn trẻ chưa có gì để khẳng định mình, thì học là một con đường phổ biến để bạn được đào tạo và chuẩn bị cho một nghề nghiệp tương lai.

"Lương cao nhưng chật vật mới có lương cao, có tiền mua cái áo đẹp ngồi với đối tác mà trình độ thấp hơn người ta lúc đó mới hối hận. Bằng cấp không mang lại tiền tài địa vị sự tôn trọng, nhưng muốn giữ vững tiền tài địa vị sự tôn trọng thì cần có trí thức/bằng cấp.

Điểm không là gì cho sau này nhưng hiện tại nó phản ánh năng lực, quyết định con đường tiếp theo. Bước được vào con đường trí thức thì đường đến thành công rộng mở dễ dàng hơn, còn ỷ lại không lo học thì cũng sẽ thành công bằng con đường vòng tối hẹp gập ghềnh hơn. Giờ các bạn chưa hiểu đâu. Sau này khi ra ngoài xã hội mới thấy thấm thía", một người nhận định.

Điểm thấp, trượt trường công lập là thất bại đầu đời, không quyết định 100% tương lai. Nhưng đó là khi bạn nỗ lực phấn đấu dù ở môi trường nào. Nếu không, lập luận nói trên chỉ để ngụy biện cho sự lười nhác, cố chấp để lấp liếm đi sự yếu kém của bản thân mà thôi.

Bạn nghĩ sao về quan điểm của nam sinh này?

Bài liên quan
Kỳ thi vào lớp 10: Thay đổi cách dạy, học đáp ứng yêu cầu đổi mới
Ngày 29/8, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi lớp 10 được 15 điểm/3 môn, nam sinh Hà Nội chốt 1 câu nhận gần 20 ngàn lượt thích nhưng lại gây tranh cãi!