Dự kiến 10 ngày nữa, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Dù vậy, sau khi đáp án chính thức được công bố, phần lớn thí sinh đã tự đánh giá được mức điểm, đặc biệt ở các môn trắc nghiệm.
Dự kiến không nhiều thí sinh điểm cao
Theo nhận định chung của các chuyên gia, năm nay, đề thi được đánh giá có độ khó nhỉnh hơn so với năm 2024, thể hiện rõ yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và tư duy thực tiễn. Do đó, số lượng thí sinh đạt mức điểm cao dự kiến sẽ không nhiều.
Đáng chú ý, ở tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh) được cho là “khó nhằn" khi mức độ khó cả đề môn toán, tiếng Anh được đánh giá là khó nhất lịch sử thi tốt nghiệp THPT. Trong khi, môn ngữ văn cũng không dễ lấy điểm cao.
Ngoài D01, một số tổ hợp cũng xuất hiện cả 2 môn toán, tiếng Anh khác như: A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D07 (Toán, hóa, tiếng Anh), D08 (toán, sinh, tiếng Anh), D09 (toán, lịch sử, tiếng Anh), D10 (toán, địa lý, tiếng Anh)…
TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định, thấu hiểu nỗi lo của thí sinh. Ông nhận định: “Những lo lắng của thí sinh là hoàn toàn có cơ sở khi nhiều trường xét điểm chuẩn chung ở tất cả các tổ hợp chứ không phân tách riêng”.
TS Toàn phân tích thêm, môn toán và tiếng Anh từ lâu đã là những môn quan trọng, thường nằm trong các tổ hợp xét tuyển phổ biến nhất như A01, D01.
Năm 2025, đề tiếng Anh được đánh giá có độ phân hóa rõ nét nhất, còn đề toán có những câu hỏi mang tính phân loại cao. Đây là lý do khiến nhiều thí sinh lo ngại điểm thi sẽ thấp, ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển, đặc biệt là với các ngành ngôn ngữ hoặc kinh tế.
“Độ khó của đề thi năm nay chắc chắn sẽ tác động đến kết quả xét tuyển đại học, nhất là những bạn dùng các tổ hợp có cả 2 môn toán và tiếng Anh. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện tại không phải là lo lắng, mà là lựa chọn giải pháp phù hợp”, TS Toàn nói.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng dự báo số lượng thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên năm nay sẽ không nhiều.
Nguyên nhân theo bà Dung đánh giá, với mặt bằng chung, phổ điểm toàn kỳ thi được dự đoán tập trung chủ yếu trong khoảng 6-7 điểm. Các tổ hợp truyền thống như A00, B00, D01 có xu hướng phân hóa rõ rệt, với mức điểm phổ biến từ 18-22 điểm. Phổ điểm này cơ bản đáp ứng tốt mục tiêu xét tốt nghiệp, đồng thời, dự báo điểm chuẩn đại học sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở một số ngành.
Vẫn còn phương án để tối ưu cơ hội vào đại học
Trước bối cảnh trên, nhiều thí sinh lo thiệt thòi khi xét tổ hợp có 2 môn toán, tiếng Anh, ThS Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho rằng thí sinh lo lắng nhiều cho các tổ hợp môn xét tuyển có toán, tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, bà khuyên thí sinh nên bình tĩnh theo dõi kết quả thi, bởi nhiều chuyên gia dự đoán điểm chuẩn chung cũng có khả năng giảm.
Song song đó, các em cần xem xét thêm việc đăng ký các phương thức xét tuyển dự phòng như xét học bạ, xét tuyển theo phương thức riêng của các trường, đồng thời tìm hiểu điểm chuẩn của ngành học mình yêu thích.
“Dựa vào nhiều yếu tố phân tích trên, các em nên chọn nguyện vọng phù hợp, vừa sức, tối ưu trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn. Năm nay, điểm chuẩn quy đổi về cùng thang điểm ở tất cả các phương thức mà các trường áp dụng nên tính cạnh tranh cũng sẽ không chênh lệch nhiều như các năm”, bà Ngọc Bích chia sẻ.
TS Mai Đức Toàn cũng trấn an thí sinh vì vẫn có nhiều phương án để tối ưu cơ hội vào đại học.
Ông cho rằng điểm mới của tuyển sinh năm nay là mở rộng tổ hợp xét tuyển, không còn giới hạn tối đa 4 tổ hợp cho một ngành như trước. Đây là hướng đi linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển.
Do đó, để tăng khả năng trúng tuyển, chuyên gia tuyển sinh khuyến nghị thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn 3 năm gần nhất của các ngành, các trường đang có nguyện vọng đăng ký.
Ngoài ra, các em hãy đọc kỹ Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Đề án tuyển sinh của các trường. Mỗi năm có thể có những điều chỉnh nhỏ, đặc biệt là quy chế năm 2025 đã có nhiều điểm mới đáng chú ý nên thí sinh hiểu về các thông tin về mã ngành, mã trường, tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển và các điều kiện phụ (nếu có) của ngành/trường bạn quan tâm.
Từ đó, các bạn đối chiếu với mức điểm dự kiến của bản thân để chọn tổ hợp và ngành có độ lệch điểm phù hợp. Độ lệch điểm không nên quá thấp, nhưng cũng không nên chọn những ngành có điểm chuẩn quá cao.
“Cách an toàn là chọn ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm dự kiến khoảng 1,5-2 điểm. Ngoài ra, thí sinh nên xét tuyển bằng nhiều phương thức cùng lúc như xét điểm thi THPT, học bạ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… Một ngành có thể xét bằng nhiều phương thức để tối ưu cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1”, TS Mai Đức Toàn tư vấn.