Dù được đăng ký không giới hạn số lượng nhưng thí sinh nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng xét tuyển và chia thành 3 nhóm.
TS Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển (Hà Nội) khuyến nghị thí sinh tại Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 diễn ra sáng 20/7, tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo TS Nguyễn Thị Đông, thí sinh nên tìm hiểu kỹ những ngành/trường học mà mình yêu thích cũng như khả năng có thể trúng tuyển để đăng ký nguyện vọng phù hợp trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).
“Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, gây tốn kém không cần thiết. Theo tôi các em nên đăng ký dưới 10 nguyện vọng và có “chiến thuật” sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng sao cho phù hợp” - TS Nguyễn Thị Đông tư vấn.
Theo đó, để tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm cao hơn điểm của mình, nhóm ngang bằng và nhóm điểm thấp hơn, để đảm bảo an toàn, sau đó sắp xếp nguyện vọng phù hợp. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất.
TS Nguyễn Thị Đông thông tin, năm 2024, Học viện Chính sách và Phát triển tuyển sinh 1.800 chỉ tiêu theo các phương thức: Xét tuyển thẳng (1% tổng chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của Học viện (54% tổng chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (45% tổng chỉ tiêu).
Quan tâm nhiều đến nhóm thí sinh đạt ngưỡng điểm tương đối cao, từ 26 - 27 điểm trở lên ở các tổ hợp mà Trường Đại học Ngoại thương đưa vào xét tuyển, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhìn nhận, so với năm 2023, số lượng thí sinh có điểm đạt ngưỡng từ 27 trở lên ở các tổ hợp: A00, D01 có tăng. Riêng tổ hợp A01 không có biến động nhiều.
PGS.TS Vũ Thị Hiền dự đoán, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ, nhưng không phải tăng ở tất cả các tổ hợp. Điểm có thể tăng ở các tổ hợp như: A00, D01, còn tổ hợp A01 có thể không tăng hoặc nếu tăng cũng không nhiều.
Dự báo điểm chuẩn vào Trường ĐH Giao thông vận tải có thể cao hơn so với năm ngoái, nhất là với một số ngành có tổ hợp xét tuyển D01 (khoảng 10 ngành). Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo cho rằng, mức tăng không nhiều.
Với những ngành có điểm chuẩn cao trong năm 2023 thì dự kiến năm nay sẽ ổn định. Với những ngành ở top trung (khoảng 22-23 điểm/năm 2023) và một số ngành truyền thống, điểm chuẩn năm nay có thể cao hơn một chút.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trường ĐH Giao thông vận tải vẫn dành 70-80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, thí sinh yên tâm vì vẫn còn nhiều cơ hội để có thể trở thành sinh viên của trường.
Ngày 18/7, Trường ĐH Giao thông vận tải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024 (điểm sàn). Theo đó, đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, mức điểm sàn dao động từ 17 đến 23 điểm. Đây là mức điểm tối thiểu của tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Còn theo phương thức xét theo kết quả đánh giá tư duy năm học 2023-2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, mức điểm sàn nhận đăng ký xét tuyển là 50 điểm.
Trường ĐH Giao thông vận tải lưu ý, từ ngày 18/7 đến trước 17h ngày 30/7/2024, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT (kể cả các thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào các ngành của Trường theo các phương thức xét tuyển sớm: xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp, xét theo đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh);
Từ ngày 22/7/2024 đến 17h ngày 30/8/2024, thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 chương trình liên kết quốc tế sẽ nộp hồ sơ trực tiếp tại Trường ĐH Giao thông vận tải (Khoa Đào tạo quốc tế). Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển về điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tham gia vòng phỏng vấn, kiểm tra trình độ tiếng Anh theo lịch của trường.