Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Khởi động trước kỳ thi đổi mới

19/12/2023, 06:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các nhà trường đang nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế, kiến thức trước kỳ thi đổi mới.

Trong đó, việc định hướng học sinh rất quan trọng, hiện cấp THPT học sinh được phân hóa rõ rệt ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp bằng cách lựa chọn tổ hợp môn.

Thay vì học nhiều môn như trước đây thì hiện tại ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn thêm 4 môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Quá trình phân hóa này, đặc biệt trước khi bước vào cấp THPT, đòi hỏi học sinh phải biết rõ sở trường, năng lực bản thân, sở thích nghề nghiệp để có thể chọn các môn học, môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Khẳng định trong Chương trình GDPT 2018, vai trò của các môn học ngang nhau, thầy Võ Hoài Nhân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) đồng thời nhấn mạnh: Phương án thi tốt nghiệp THPT mới đòi hỏi nhà trường phải dạy và học đều các môn học, tránh trường hợp coi trọng môn này, nhẹ môn kia...

Do đó, trong công tác giáo dục cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng khiếu cho học sinh. Từ thực tế cũng chứng minh, nhiều học sinh khi đi học không giỏi môn tự nhiên hay xã hội, thế nhưng sau này ra xã hội các em lại thành công trong cuộc sống ở một số lĩnh vực liên quan.

Tiết học Toán của cô trò Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận
Tiết học Toán của cô trò Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận

Bám sát chuẩn kiến thức và đổi mới

Cho dù kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 có nhiều thay đổi trong phương án thi nhưng theo ghi nhận từ ban giám hiệu các trường THPT, không có xáo trộn lớn trong công tác dạy – học và kiểm tra đánh giá.

Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Với những môn học sinh không lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, nhưng các em vẫn tham gia những bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đề kiểm tra theo đúng ma trận và áp dụng cho toàn khối, không phân biệt môn thi tốt nghiệp hay không”.

Cái khác biệt là việc được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ sớm, theo thầy Hưng, sẽ trả lại việc thi cử theo đúng năng lực, nhu cầu định hướng nghề nghiệp của học sinh. Các em chủ động hơn trong phân bố, đầu tư thời gian cho từng môn học tùy thuộc vào mục tiêu học tập.

Tại Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), thầy Hiệu trưởng Phạm Tấn Bửu khẳng định, nhà trường không quá lo lắng việc giáo viên “chạy điểm, cấy điểm” hay thả lỏng với những môn học sinh không thi tốt nghiệp. “Giáo viên dạy bộ môn rất tự trọng trong vấn đề này.

Tuy nhiên, phải tạo điều kiện, cơ hội để các em phát huy ý thức học tập cải thiện điểm số. Cụ thể, đối với học sinh có điểm kiểm tra không cao thì khuyến khích tích cực học, ôn bài cũ để được trả bài cộng điểm... Đây chính là cách tạo động lực cho học sinh có ý thức hơn trong học tập. Không phải cứ căng thẳng, áp lực thì hiệu quả”, thầy Bửu trao đổi.

Trường THPT Trần Cao Vân đã phổ biến sớm cho học sinh khối 11 về những đổi mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. “Trong đó, nhà trường nhấn mạnh môn Ngoại ngữ vẫn là môn công cụ, các trường đại học, cao đẳng tiếp tục xem đây là môn điều kiện trong xét tốt nghiệp. Vì vậy, học sinh cần xác định động cơ, mục tiêu học tập phù hợp để có kết quả tốt”, thầy Bửu cho biết.

Với phương án thi tốt nghiệp năm 2025, thầy Bửu và thầy Hưng cho rằng, giáo viên phải dạy theo hướng phân hóa đối tượng, cùng trong một tiết dạy nhưng sẽ có nhiều mức độ cung cấp kiến thức khác nhau, vừa phải đảm bảo tính toàn diện, vừa phân hóa cho học sinh đủ để thi đại học, cao đẳng. Với những đổi mới phương thức thi như hiện nay, yêu cầu với các trường sẽ cao hơn: Vừa đảm bảo giáo dục toàn diện, vừa đảm bảo chất lượng của cả kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học.

Bộ GD&ĐT công bố sớm phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã giúp các trường chủ động trong công tác dạy - học. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhà trường vẫn tổ chức các hoạt động dạy học ở Chương trình GDPT 2018 bình thường.

Dù hình thức thi như thế nào thì khung chương trình không thay đổi, vẫn phải đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học và ôn tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, cách vận dụng các đơn vị kiến thức, kỹ năng làm bài...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thi-tot-nghiep-tu-nam-2025-khoi-dong-truoc-ky-thi-doi-moi-post665187.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thi-tot-nghiep-tu-nam-2025-khoi-dong-truoc-ky-thi-doi-moi-post665187.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Khởi động trước kỳ thi đổi mới