Thi tuyển lớp 10 tại Hà Nội: Không nên gây áp lực cho thí sinh

18/02/2023, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10, bậc THPT với 3 bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ trong khi Hà Nội vẫn chưa chốt phương án nào.

Thi tuyển lớp 10 tại Hà Nội: Không nên gây áp lực cho thí sinh - 1

Học sinh lớp 9 đang chờ phương án thi tuyển lớp 10 năm 2023-2024

Nhiều địa phương chỉ thi 3 môn

Nhiều địa phương như: TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Phú Thọ… sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Đặc biệt như TP HCM còn công bố cấu trúc đề thi để các trường và học sinh được biết từ sớm.

Ông Trần Tiến Chinh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, với kỳ thi lớp 10 trước đây địa phương từng tổ chức thi bài thi tổ hợp kiến thức 9 môn. Kỳ thi đó ít nhiều cũng “vấp” ý kiến dư luận vì gây áp lực cho học sinh. Sau đó, địa phương quay lại tổ chức thi 4 môn và 2 năm nay chỉ thi 3 môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giảm bớt áp lực thi cử cho các em lẫn phụ huynh. Phương án này được học sinh, người dân ủng hộ.

“Một số ý kiến cho rằng, thi 3 môn học sinh sẽ học lệch, bỏ môn, tuy nhiên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, các nhà trường phải đảm bảo hoàn thành đúng nội dung chương trình tất cả các môn học, không được cắt xén, rút gọn. Sở GD&ĐT sẽ có phương thức kiểm tra, đánh giá chất lượng”, ông Chinh nói.

Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nào cũng gây áp lực, căng thẳng cho phụ huynh bởi số lượng thí sinh dự thi ngày càng đông, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập không thay đổi (khoảng 60%).

Từ năm 2015-2016, Hà Nội có hơn 75.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có hơn 50 nghìn em trúng tuyển (25 nghìn em còn lại bị trượt hoặc chọn phương án khác). Nhưng đến năm 2022-2023, địa phương có hơn 106 nghìn em dự thi, tuyển THPT công lập hơn 69 nghìn em (số lượng học sinh trượt hoặc chọn phương án khác tới hơn 37 nghìn em).

Vì sao không lấy ý kiến phụ huynh?

Với kỳ thi năm nay, UBND TP Hà Nội vừa tổ chức thăm dò ý kiến đội ngũ nhà giáo, trong đó đưa ra 3 phương án gồm thi 3 môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) hoặc 4 môn(toán, ngữ văn, ngoại ngữ và môn thứ tư) hoặc phương án khác. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết, thời gian lấy ý kiến quá ngắn, mạng bị lỗi nên không phải ai cũng có cơ hội để bình chọn.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn vì không được lấy ý kiến. “Năm nay con thi vào lớp 10. Gia đình sốt xình xịch đi “săn” trường tư, rải hồ sơ chuẩn bị phương án 2 nhưng vẫn kèm sát con từ học trên lớp, học thêm để đạt mục tiêu đỗ được trường THPT công lập gần nhà. Tôi rất khó hiểu khi Hà Nội chỉ hỏi ý kiến giáo viên mà không hỏi ý kiến phụ huynh, học sinh về phương án thi để có thêm căn cứ quyết định”, chị Dương Quỳnh Hương, có con năm nay thi tuyển vào lớp 10 Hà Nội nói.

Anh N.T.Đ, có con học Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm đặt câu hỏi, trong khi nhiều địa phương tổ chức thi 3 môn, Hà Nội làm khác đi phải chăng là do bệnh thành tích, sợ tụt hạng khi đánh giá chất lượng so với các địa phương trên toàn quốc?

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Thanh Xuân cũng nói rằng, đa số giáo viên trong trường bình chọn phương án chỉ thi 3 môn và một số người không thể vào bình chọn được vì lỗi mạng. “Tôi không hiểu kết quả bình chọn để TP tham khảo hay căn cứ quyết định nhưng với phương thức thi 4 môn, công bố môn thứ tư vào phút chót gây áp lực rất lớn cho học sinh. Các em lo lắng nên tìm lớp học thêm hết chỗ này sang chỗ khác, vừa tốn kém vừa mệt mỏi”, hiệu trưởng này nói.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội hằng năm thường được tổ chức khoảng tháng 6. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh trường THPT công lập khoảng 60%; trường ngoài công lập 20%; số còn lại học sinh sẽ đi học TT GDTX- GDNN, học nghề… TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đến gần kết thúc năm học, kỳ thi tuyển sinh đến gần địa phương vẫn loay hoay với câu hỏi thi 3 hay 4 môn là rất muộn.

Thi 4 môn cũng không phản ánh đúng chất lượng

Ủng hộ quan điểm bỏ bài thi thứ tư, PGS. TS Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nói rằng: “Hà Nội không nên cố tình làm khác đi so với các địa phương. Qua vài năm thi thêm môn thứ tư với đề thi ra những câu hỏi cơ bản, đa số học sinh đạt điểm cao không phản ánh được thực chất dạy học trong khi suốt thời gian dài, học sinh chịu áp lực phải học cả 9 môn để chuẩn bị cho kỳ thi là không cần thiết”, PGS Thống nói.

Còn bà Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa (Hà Nội) phân tích, nếu kỳ thi nhìn nhận ở góc độ giảm bớt áp lực cho học sinh thì chỉ nên thi 3 môn. Hoặc Hà Nội có thể công bố sớm bài thi thứ 4 để các em có thêm thời gian học và ôn tập đỡ áp lực. “Với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lên THPT được chọn môn học thì ngoài môn cơ bản, nên cho học sinh chọn môn thi phù hợp năng lực. Tuy nhiên, để làm được như vậy công tác ra đề thi, tổ chức thi sẽ vất vả hơn nhiều”, bà Thủy nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đến gần kết thúc năm học, kỳ thi tuyển sinh đến gần địa phương vẫn loay hoay với câu hỏi thi 3 hay 4 môn là rất muộn.

Hà Nội cần phải nhìn nhận, mục tiêu tổ chức kỳ thi là để đánh giá chất lượng giáo viên dạy, học sinh học một cách nghiêm túc hay kỳ thi chỉ nhằm xếp loại học sinh để chọn trường phù hợp năng lực. Trong đó, em giỏi vào trường chuyên, trường tốp đầu, em vừa vào trường tốp giữa, trung bình, yếu có thể đi học nghề…

Khi đã xác định được mục tiêu chỉ nhằm phân loại học sinh thì tổ chức ít môn thi. Nhiều em có định hướng từ THCS là lên THPT sẽ chọn theo học khối xã hội nhưng bài thi thứ tư vào lớp 10 là môn lý, hoá sẽ khiến học sinh phải vất vả ôn thi, thậm chí không phải môn sở trường điểm không cao như kỳ vọng, có thể trượt vì điểm môn thứ 4 thấp”, ông Lâm nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi tuyển lớp 10 tại Hà Nội: Không nên gây áp lực cho thí sinh