Theo chia sẻ của nhiều giáo viên THCS, trong những giờ cuối cùng ôn tập, thí sinh không nên thức khuya, học bài với cường độ cao. Học sinh nên xem lại tổng thể toàn chương trình, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi điều độ. Các em hãy tập trung ôn tập theo những gì đã được thầy cô hướng dẫn thời gian qua và cũng không nên tin vào những dự đoán trên mạng xã hội.
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM), nhấn mạnh: Việc “bói đề, đoán đề” là điều tai hại trong quá trình học sinh ôn tập. Nhiều em cho rằng năm trước đề đã ra vấn đề này, tác phẩm kia có lẽ năm nay sẽ không ra nữa.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã nhấn mạnh nội dung đề thi tuyển sinh Ngữ văn lớp 10 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu chương trình lớp 9. Vì vậy, đề có thể ra trong bất cứ tác phẩm nào. Theo định hướng cấu trúc đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn năm nay sẽ có “độ mở” cao. Do đó, các em cần tập trung rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.
Còn thầy Lê Minh Kim Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), chia sẻ, trong giai đoạn nước rút, học sinh phải luôn bình tĩnh, không nên đoán đề để “học tủ”. Theo chia sẻ của thầy Long, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 của TPHCM sẽ ra như mọi năm, đa phần đề thuộc dạng mở. Học sinh có sự lựa chọn để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Như vậy, để làm tốt bài thi, quan trọng là học sinh phải có kiến thức, nhìn bao quát các tác phẩm có cùng đề tài.
“Chẳng hạn theo cấu trúc đề thi năm nay, câu Nghị luận văn học sẽ cho chủ đề, từ chủ đề đó học sinh chọn những tác phẩm liên quan để làm bài. Bởi nếu học tủ mà khi ra một chủ đề không có trong nội dung của các em đã ôn tập sẽ rất khó làm tốt bài thi của mình”, thầy Long giải thích.
Cũng theo chia sẻ của thầy Long, giai đoạn này các em không nên nghe trên mạng đoán đề mà “học tủ”. Học sinh không thể trông chờ vào may rủi mà nên học kỹ năng, việc học tủ rất nguy hiểm. “Các em không nên mất thời gian vào các thông tin đoán đề mà hãy tự xây dựng lại đề cương về các tác phẩm để có cái nhìn bao quát, rèn kỹ năng từ đó vận dụng làm bài là tốt nhất”, thầy Long chia sẻ.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Minh Đức (Quận 1), cho hay, những năm qua, giáo viên luôn cảnh báo học sinh tỉnh táo trước thông tin đoán đề. Học sinh không nên tin theo mà cần ôn tập kỹ các kiến thức trọng tâm thầy cô đã dạy, ôn tập. Các em cần nắm vững kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài để đáp ứng yêu cầu của đề.
“Những ngày chuẩn bị bước vào kỳ thi, học sinh hãy coi lại bài giảng của giáo viên. Từ đề cương của giáo viên, học sinh nên viết lại theo các ý chính để nhớ kiến thức lâu hơn. Ngoài ra cần tìm hiểu thêm nguồn thông tin xã hội, thời sự để đáp ứng các dạng bài tình huống trong đề…”. - Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Minh Đức (Quận 1 - TPHCM)