Thiết chế Hội đồng trường và Hiệu trưởng: Cần phối hợp nhịp nhàng

29/09/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tự chủ đại học đã triển khai mạnh mẽ, trong đó Hội đồng trường và Hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng.

Sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tổ chức, chỉ đạo chính là tiền đề để phát triển nhà trường.

Thiết chế không thể thiếu

Năm học 2022 - 2023 là năm tiếp theo tự chủ đại học được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (tỷ lệ 90,6%) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Tại Trường Đại học Đồng Tháp, ngoài việc xây dựng các văn bản quản lý, điều hành trong trường như: Quy chế tổ chức và hoạt động, tài chính, thực hiện dân chủ… trường đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Trong đó, quy định rõ nguyên tắc, phương thức và nội dung quan hệ công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Phạm vi quan hệ công tác, quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng trường, Hiệu trưởng được cụ thể trong danh mục công việc và thẩm quyền quyết định, bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận, kịp thời giúp cho bộ máy của trường hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả; hạn chế sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực quản trị, quản lý và điều hành của nhà trường.

Trao đổi về vai trò của Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong việc phát triển giáo dục đại học, TS Trương Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp, cho biết, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu, mắt xích quan trọng trong phương thức quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; thiết chế không thể thiếu khi trao quyền tự chủ trong quản trị đại học.

Vai trò của Hội đồng trường được thể hiện rõ, cụ thể tại Điều 16 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 (gọi tắt là Luật 34). Trong khi đó, Hiệu trưởng là người có vị trí cao nhất trong “chủ thể thực thi” (CEO) của nhà trường, “cầu nối” giữa Hội đồng trường với cán bộ nhà trường và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường về việc hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường.

“Trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng trường, Hiệu trưởng tổ chức triển khai thực hiện. Hiệu trưởng định kỳ báo cáo với Hội đồng trường về tình hình thực hiện các mặt công tác, những chủ trương, nhiệm vụ thời gian tới của trường theo mối quan hệ công tác.

Hiệu trưởng đảm bảo và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, tài chính, nhân lực để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy và hoạt động của Hội đồng trường”, TS Trương Tấn Đạt nhấn mạnh.

Hiệu trưởng giữ vai trò quản lý, điều hành các mặt hoạt động, công tác của nhà trường; tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường...

Mô hình quản trị đại học có sự tham gia của Hội đồng trường là mô hình tiên tiến - theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh. Đồng thời ông Hòa còn cho rằng, Hội đồng trường là tổ chức quản trị trường đại học, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, huy động nguồn lực cho nhà trường.

Hội đồng trường còn thực hiện giám sát các hoạt động, gắn trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; quyết định các vấn đề quan trọng của trường đại học.

Chủ tịch Hội đồng trường đại diện cho tổ chức thể hiện quyền lực tập thể, quyết định những vấn đề khung, chiến lược phát triển của cơ sở đại học. “Hội đồng trường làm việc trên nguyên tắc tập thể, quyết định những vấn đề lớn. Hội đồng trường không can thiệp sâu, cụ thể vào công việc điều hành của Hiệu trưởng. Về nguyên tắc, Hội đồng trường có quyền lực cao hơn nhưng đó là quyền lực tập thể. Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng có vai trò khác nhau và phân cấp rõ ràng để giám sát lẫn nhau”.

Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp. Ảnh: Quốc Ngữ ảnh 1

Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp. Ảnh: Quốc Ngữ

Phù hợp xu thế

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang, việc quản trị và tự chủ đại học phải phù hợp xu thế mới. Giai đoạn 2023 - 2025, trường định hướng chiến lược mô hình quản trị đại học tự chủ và sáng tạo.

Hướng đến quản trị phát triển theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp đặc trưng, hệ thống quản trị phải đáp ứng phát triển nhà trường, dựa trên 3 nền tảng cốt lõi là Quản trị thể chế và chiến lược - Quản trị số - Quản trị hệ thống đảm bảo chất lượng.

“Các tổ chức và cá nhân thực hiện vai trò quản trị nhà trường phải đồng nhất, thống nhất, duy trì mục tiêu chiến lược phát triển trường trên nguyên tắc sự tham gia Công bằng - Dân chủ - Sáng tạo của các bên liên quan. Đồng thời có sự phối hợp tốt nhất giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ; thể hiện vai trò riêng của các bên liên quan”, TS Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh.

Đối với trường ngoài công lập, công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng là yếu tố sống còn. Theo PGS.TS Lương Minh Cừ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, Hội đồng trường và Hiệu trưởng luôn song hành trong công tác tổ chức, quản lý, đào tạo và phát triển giáo dục đại học.

Trong đó, Hội đồng trường xây dựng chiến lược và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nhà trường, chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất theo từng giai đoạn...

Hiệu trưởng cùng nhà trường đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT. Đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy và học; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiệu trưởng còn là “nhạc trưởng” trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội…

“Thiết chế Hội đồng trường còn khá mới mẻ nên có cách hiểu khác nhau về thẩm quyền của Hội đồng trường. Để xây dựng được Hội đồng trường đích thực, cần đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của nhà trường, kiên quyết thực hiện đúng theo tinh thần đổi mới giáo dục đại học, nhất là định hướng Hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất, Bí thư cấp ủy đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường đại học. Trong quá trình thành lập, vận hành Hội đồng trường cần bám sát các quy định của Luật Giáo dục, những hướng dẫn, đồng thời cần sự ủng hộ, đồng thuận và chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan chủ quản và cấp ủy Đảng của địa phương”. - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiết chế Hội đồng trường và Hiệu trưởng: Cần phối hợp nhịp nhàng