BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, thịt chim bồ câu được xem là "thượng phẩm", giúp bồi bổ sức khỏe bởi chứa rất nhiều dinh dưỡng.
Trong 100g thịt bồ câu có năng lượng 142 kcal, chất béo 7,50, protein 17,5, vitamin A 94 IU, thiamine 283mg, riboflavin (B2) 0,285 mg, axit pantothenic (B5) 0,787mg, vitamin B6 0,53 mg, folate 7 μg, vitamin B12 0,47 μg, vitamin C 7,2mg, khoáng chất canxi 13mg, Sắt 4,51 mg, magie 25mg, mangan 0,019 mg, phốt pho 307 mg, kali 237 mg, natri 51 mg, kẽm 2,7 mg, nước 72,8 gam, không chứa carbohydrat và chất xơ.
Trong sách "Thực liệu thảo mộc" của nhà Đường xưa có ghi chép nhiều về những công dụng tuyệt vời của chim bồ câu và dân gian có lời ví von rằng "1 con chim bồ câu bổ gấp 9 lần thịt gà". Sự so sánh này đã cường điệu, phóng đại về chim bồ câu và so sánh chưa thật sự hợp lý, vì mỗi loài đều có những giá trị dinh dưỡng riêng, có thế mạnh riêng. Vậy thịt chim bồ câu hay gà bổ hơn?
Thành phần dinh dưỡng cho thấy, thịt bồ câu có hàm lượng protein và chất béo ít hơn so với thịt gà, nhưng lại giàu chất khoáng và vitamin, nhất là vitamin B12, selen, axit folic, riboflavin hơn.
"Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra thịt bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao hơn thịt gà. Có thể sử dụng đan xen hai loại thịt này bồi bổ sức khỏe, không nên quá lạm dụng loại thịt nào", bác sĩ Vũ nói.
Thịt chim bồ câu làm món ăn và làm thuốc rất tốt. Nó chứa các chất dinh dưỡng phong phú mà cơ thể cần, tác dụng bồi bổ sức khỏe. Người sau phẫu thuật, ăn thịt chim bồ câu sẽ thúc đẩy cơ thể hồi phục tốt hơn, có thể tăng cường thể lực, tiêu trừ mệt mỏi.
Thịt chim bồ câu rất giàu collagen, có thể giúp chúng ta đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương và phục hồi cơ thể. Hơn nữa do hàm lượng chất béo thấp, khả năng tiêu hóa cao, nên ăn thịt chim bồ câu vừa bổ sung dinh dưỡng tốt, vừa không làm tăng mỡ máu và đường huyết. Nó đặc biệt thích hợp cho người suy dinh dưỡng, người già, người muốn bồi bổ sức khoẻ, tăng sức đề kháng, phụ nữ sau sinh và bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Thịt bồ câu chứa nhiều nguyên tố khoáng, đặc biệt là sắt. Bệnh tật hoặc sau phẫu thuật khiến bệnh nhân thiếu máu, bổ sung thực phẩm chứa sắt trong chế độ ăn giúp nâng cao chức năng tạo máu của cơ thể, phòng ngừa và cải thiện hiệu quả thiếu máu do thiếu sắt. Đối với một số phụ nữ, nếu trong kỳ kinh nguyệt mất máu nhiều, dẫn đến các triệu chứng thiếu máu trầm trọng, sắc mặt trở nên nhợt nhạt, không có huyết sắc, thì có thể ăn thịt chim bồ câu để phát huy tác dụng bổ máu.
Hàm lượng chondroitin trong thịt chim bồ câu tương đối cao, có thể giúp chúng ta bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khí huyết lưu thông, tăng cường chức năng cơ thể, tăng sức sống cho tế bào da. Tăng cường độ đàn hồi cho da nên có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa và làm đẹp. Thịt chim bồ câu rất giàu collagen hỗ trợ tốt nhất quá trình phát triển của các tế bào nang tóc.
Thịt bồ câu rất giàu cephalin, vitamin A, B, E, canxi và sắt, có thể cải thiện quá trình trao đổi chất và đổi mới tế bào não, cải thiện sức sống của não, giúp chúng ta cải thiện trí nhớ và giúp phát triển trí não. Với người lao động trí óc, có thể bổ sung thêm cháo chim bồ câu vào thực đơn.
Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết), trứng chim (cáp điểu noãn). Thịt bồ câu tính bình, vị mặn, tác dụng bổ thận kiện tỳ vị, ích khí huyết. Dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, khí huyết hư, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt, phụ nữ huyết hư tắc kinh, người chuẩn bị mang thai.
- Những người bị sốt, có thể chất nóng trong không thích hợp ăn thịt chim bồ câu.
- Không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu, có thể gây nóng trong người, tăng nội nhiệt và béo lên. Chỉ cần ăn theo dịp hoặc mỗi tuần 1-2 con. Những người bị dị ứng với thịt chim hoặc những người có bệnh tim, huyết áp cao nên hạn chế ăn cả da và mỡ của chim vì chứa nhiều chất béo và cholesterol.
- Người mắc bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan cấp tính không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu.
- Ăn chim bồ câu cùng với tôm, cá diếc có thể gây dị ứng; ăn cùng với gan heo, thịt heo, nấm đầu khỉ có thể gây đầy bụng, khó tiêu.