Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết), trứng chim (cáp điểu noãn).
Thịt bồ câu có tính bình, vị mặn, tác dụng bổ thận kiện tỳ vị, ích khí huyết. Thực phẩm này dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, khí huyết hư, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt, phụ nữ huyết hư tắc kinh, người chuẩn bị mang thai.
Bác sĩ Vũ cho hay, thịt chim bồ câu rất bổ dưỡng cho sức khoẻ tuy nhiên khi dùng cần lưu ý điều này để không làm tổn hại cho cơ thể:
- Những người bị sốt, người có thể chất nóng trong người không thích hợp ăn thịt chim bồ câu.
- Không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu, có thể gây nóng trong người, tăng nội nhiệt. Bạn chỉ nên ăn mỗi tuần 1-2 con.
- Những người bị dị ứng với thịt chim hoặc những người có bệnh tim, huyết áp cao nên hạn chế ăn cả da và mỡ của chim vì có chứa nhiều chất béo và cholesterol.
- Người mắc bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan cấp tính thì không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu.
- Nên tránh ăn chim bồ câu với gan heo, thịt heo, nấm đầu khỉ, có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
- Không ăn chim bồ câu cùng với tôm, cá diếc có thể gây dị ứng.