Theo ông Khoa, các công nghệ liên tục thay đổi, đòi hỏi công tác đào tạo ATTT cũng cần thay đổi theo để đáp ứng; Chưa có sự gắn kết đủ lớn giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực; Để đào tạo ATTT chất lượng cao, các trường cần được đầu tư hệ thống công nghệ, phòng Lab đòi hỏi chi phí cao. Trong khi đó, ATTT lại là nội dung khó, để trở thành kỹ sư, cử nhân chất lượng cao thì học viên cần có năng lực và nền tảng tốt.
Ngoài ra, các sinh viên chuyên ngành này nếu không được định hướng nghề nghiệp sớm, không được giáo dục về đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức chưa có sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu để phát triển nguồn nhân lực ATTT nội bộ chất lượng.
Theo PGS.TS Lương Thế Dũng, Học viện Kỹ thuật mật mã thông tin, xu hướng đào tạo nhân lực tại Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới là tích hợp đào tạo chính quy ATTT bậc đại học và sau đại học vào hệ thống chương trình giáo dục.
Một số xu hướng đào tạo trong thời gian tới như sau: ATTT trở thành một ngành độc lập; Đào tạo ATTT là vấn đề toàn cầu; Tiếp cận đào tạo ATTT theo hướng toàn diện; Đào tạo ATTT gắn liền với thực tiễn; Tạo ra một ngành khoa học về ATTT; Về cách thức đào tạo ATTT.
Học viện đã tổ chức cho các sinh viên tham gia các cuộc thi ATTT trong và ngoài nước, có thể kể đến 10 năm liên tiếp đội thi của Học viện đạt giải thưởng cao tại cuộc thi “Sinh viên với ATTT” do Hiệp hội ATTT Việt Nam tổ chức. Nhiều sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường đã tham gia nhiều giải do các hãng công nghệ lớn tổ chức như Microsoft, Malwarebytes…
Xu hướng đào tạo theo cách tiếp cận phổ biến rộng rãi hơn là mở các khóa học trực tuyến mở (Open Online Course - OCC) nhằm mục đích tham gia tương tác quy mô lớn và truy cập mở qua Internet. Bất cứ ai có kết nối Internet đều có thể truy cập các OOC. OOC là một tài nguyên mà người dùng Internet có thể sử dụng để bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực ATTT.
Chương trình đào tạo thay đổi phù hợp nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các chuyên gia ATTT ngoài khả năng đảm bảo ATTT còn phải có các kỹ năng và kiến thức rất chuyên sâu như thuật toán, lập trình, hệ thống, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, phân tích mã độc, điều tra số, khai thác lỗ hổng bảo mật phần mềm, thậm chí thực hiện các tấn công khi cần thiết.
Cũng theo ông Lương Thế Dũng, ngoài những công việc mang tính phổ biến trong thời gian tới như phân tích và thiết kế an toàn hệ thống thông tin, quản lý ATTT, điều tra số, xử lý và ứng phó sự cố, phân tích an ninh mạng, quản lý SIEM… cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, các chuyên gia an ninh mạng cần phải có kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực từ kiến trúc CNTT, dịch vụ đám mây, quy trình kinh doanh và thiết bị di động…
Một xu hướng trong an ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến công việc trong lĩnh vực CNTT trong những năm tới sẽ bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, an toàn điện toán đám mây, an toàn cho IoT, an toàn cho mobile, xử lý dữ liệu lớn.