Độc giả có hộp thư phuongthanh***@gmail.com hỏi về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Tôi là giáo viên mầm non, công tác và bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 1/7/2018. Ngày 1/9/2019, tôi trúng tuyển vào trường mầm non công lập. Trong thời gian công tác, tôi nghỉ chế độ thai sản 2 lần (lần 1 từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022; lần 2 từ ngày 1/12/2023 đến 31/5/2024).
Xin hỏi, thời gian tôi nghỉ thai sản theo quy định có được tính vào thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không? Trường hợp của tôi, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo từ thời gian nào? (phuongthanh***@gmail.com)
Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2020/NĐ-CP ngày 1/8/2020 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng áp dụng là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập. Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này quy định, thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo bao gồm: Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.
Theo thư bạn viết, bạn trúng tuyển viên chức vào trường mầm non công lập từ ngày 1/9/2019 nhưng tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc từ ngày 1/7/2018. Do đó, tính từ ngày tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc đến khi đủ 5 năm (60 tháng), không bao gồm thời gian tập sự, bạn thuộc đối tượng tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian nghỉ thai sản theo quy định hiện hành (không vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH) được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com