Nhà văn Lê Lựu để lại nhiều tác phẩm văn học giá trị. |
“Cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu xuất bản năm 1987 - rất sớm, khi Đổi Mới vừa mới bắt đầu. Như vậy những điều ông viết đã được nung nấu từ lâu. Ông đã vượt thoát bản thân và vượt thoát văn chương một thời trong đó có mình. Chỉ vậy thôi Lê Lựu đã là một nhà văn lớn” – Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Sự ra đi của nhà văn Lê Lựu đã để lại niềm tiếc thương trong giới văn nhân nước nhà. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Anh Lê Lựu có tấm chân tình đặc biệt của thế hệ nhà văn đi trước với thế hệ nhà văn đi sau. Với tôi, anh Lê Lựu là tấm gương một người cầm bút tận tụy và chí tình”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Cách đây ít ngày tôi còn về Khoái Châu thăm nhà văn Lê Lựu. Anh nằm bất động, không còn nhận ra tôi. Bây giờ thì anh đã ra đi, là một tổn thất lớn cho nền văn học đương đại”.
Nhiều người nói Lê Lựu sợ chết, nhiều người bảo không. Thực ra phải ở gần ông, mới biết ông có thực sự sợ hay không. Những năm 2010, tác giả bài viết có dịp tiếp xúc với nhà văn Lê Lựu – khi ấy ông đang làm Giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân có trụ sở trong một con ngõ nhỏ ở đường Tam Trinh (Hà Nội).
Thời gian đó, Lê Lựu quy tụ một số sinh viên mới ra trường về làm nội dung cho tạp chí Văn hoá doanh nhân. Họ được ăn ở và ngủ trong trụ sở để giảm chi phí sinh hoạt, Lê Lựu cũng ở lại đó – phòng làm việc cũng là nơi ông gói gọn cuộc sống khi xa quê.
Có lần, bạn bè của nhân viên xin ngủ nhờ tại trụ sở - và không biết thế nào lại uống hết cả ấm thuốc Bắc mà ông đang đun. Lê Lựu không giận, không cười mà chỉ nói: “Chúng bay mà chết thì tao phải hoạ”.
Đó chính là thời gian mà Lê Lựu sợ chết nhất, bởi trong ông lúc đó mang bao thứ bệnh - ông phải kết hợp cả thuốc Nam, thuốc Bắc để điều trị hằng ngày. Từ năm 2006 đến nay, Lê Lựu sau 5 lần bị tai biến mạch máu não còn gặp nhiều chứng bệnh như tiểu đường, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gout… Thế nên có lần ông nói “chết trẻ khoẻ ma, đi sớm sau này con ma còn khoẻ”.
Cuộc đời của nhà văn Lê Lựu càng về cuối đời lại càng giống bi kịch. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói rằng, nhà văn Lê Lựu mất nhưng Giang Minh Sài mãi còn. Vì đó là nhân vật bi kịch đầu tiên của văn học chế độ ta. Cũng là bi kịch của nhà văn hoá thân vào nhân vật.
“Thời xa vắng” không phải là chuyện của một thời đã xa. Giang Minh Sài mang số phận của nhiều người của một thời chưa xa ấy. Cái thời chạy theo cái không phải của mình ở nửa đời trước và ở nửa đời sau là chạy theo cái mình không có.
Lê Lựu bằng tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã là một cột mốc của văn học Việt Nam hiện đại. Một cột mốc mở đường cho một dòng văn học tự nhận thức lại thực tại, tự viết từ mình. Thế nhưng giờ đây, ông như cánh chim báo bão bay về thời xa vắng.