Tuy nhiên, theo ông Tong Zhao, thành viên cấp cao tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, 4 trong số các tàu ngầm, bao gồm cả chiếc được triển khai tới Trung Đông, đã được trang bị lại, chỉ lắp đặt tên lửa hành trình, không mang đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của hải quân Mỹ tới cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu với McClatchy News, ông Tong Zhao, tác giả của một cuốn sách về chiến tranh tàu ngầm, cho biết thông báo của quân đội về việc tàu ngầm lớp Ohio đến Trung Đông là điều bất thường. Bởi các tàu ngầm thường dựa vào bí mật để duy trì khả năng sống sót cũng như hiệu quả quân sự. Vì thế, Mỹ thường không công khai vị trí các tàu ngầm của mình, ngoại trừ việc gửi tín hiệu răn đe tới các đối thủ tiềm năng.
Theo ông Zhao, thông báo hiếm hoi của quân đội Mỹ về vị trí của tàu ngầm lớp Ohio triển khai tới Trung Đông có thể nhằm gửi một thông điệp tới các đối thủ của Mỹ ở gần đó, bao gồm cả Iran. Vai trò của tàu ngầm lớp Ohio trong khu vực chủ yếu là tăng cường sự hiện diện của các khả năng tấn công chính xác và điều này sẽ giúp ngăn chặn các nước khác trong khu vực lợi dụng tình hình bất ổn và thực hiện các cuộc tấn công chống lại lực lượng Israel hoặc Mỹ trong khu vực.
Về phần mình, bên cạnh việc hoan nghênh Mỹ đã triển khai một tàu ngầm hạt nhân tới Trung Đông, người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht, nói với các phóng viên hôm 6/11 rằng “đây là một yếu tố mang tính răn đe và để ổn định khu vực”. Cùng ngày, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cũng nhấn mạnh tàu ngầm lớp Ohio tới Trung Đông sẽ hỗ trợ thêm cho các nỗ lực răn đe của Mỹ trong khu vực.