Được biết, trong thời gian qua những vướng mắc về nguồn vốn và pháp lý đã khiến thị trường bất động sản chìm trong khó khăn. Đây là lý do Chính phủ liên tục có những chỉ đạo quyết liệt gỡ vướng, phục hồi thị trường bất động sản. Về vốn, cuối tháng 10 Thủ tướng đã yêu cầu có chính sách "khuyến mại tín dụng" đặc biệt cho dự án bất động sản khả thi. Về pháp lý, Chính phủ liên tục ra văn bản thúc đẩy các địa phương rà soát, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Thông tin về thị trường bất động sản quý 3/2023, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7/2023 và tăng 27% so với con số 777.235 tỷ đồng tại ngày 31/8/2022.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian qua Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương.
Tại TP.HCM, Tổ công tác đã tiếp nhận và chuyển 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân đến UBND TP.HCM, Bộ KH-ĐT đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền. Đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Hiện Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án…