Thái Thụy (Thái Bình) là địa phương triển khai khá tốt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy, cho biết: Ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD-ĐT. Có thể kể đến việc triển khai đồng bộ mô hình thư viện đạt chuẩn mức độ 2 theo Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện giáo dục mầm non, phổ thông; trong đó quan tâm xây dựng kho học liệu điện tử.
Tăng cường trang thiết bị CNTT, phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định 667/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng CNTT ngành GD-ĐT giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Quan tâm chương trình môn Tin học để nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho học sinh; thúc đẩy giáo viên tiếp tục tự học, tự rèn…
“Có thể khẳng định, về quan điểm chỉ đạo, ngành GD-ĐT ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Trong đó khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử thay cho giáo án in truyền thống với trên 80% giáo viên sử dụng. Đồng thời, tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống quản lý nhà trường; xây dựng kho học liệu mở của ngành để cán bộ, giáo viên, học sinh chia sẻ video giảng dạy và tài liệu học tập…”, ông Đỗ Trường Sơn chia sẻ.
Đối với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), thời gian vừa qua, ngành GD-ĐT huyện đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm số hóa cơ sở dữ liệu ngành phục vụ chuyển đổi số và hướng tới chính quyền điện tử. Phòng GD&ĐT cho biết đã chỉ đạo cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu lên cơ sở dữ liệu ngành, triển khai sổ liên lạc điện tử, xây dựng kho dữ liệu số các video bài giảng, ngân hàng đề thi phục vụ giảng dạy trực tuyến.
Chia sẻ thông tin, kết nối liên thông giữa các cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và dữ liệu quốc gia về giáo dục. Để việc số hóa trong các cơ sở giáo dục được đồng bộ, hiệu quả, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy cho rằng, cần phải có giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ. Từ đổi mới tư duy của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đến bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường học và bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc số hóa và chuyển đổi số.
Từ thực tế Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng nhìn nhận triển khai chuyển đổi số với cả thuận lợi và khó khăn. Theo đó, thuận lợi là có chủ trương thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngành dọc. Công nghệ phát triển mạnh, nhiều máy móc, phần mềm, nhiều dịch vụ được cung cấp. Có sự đồng thuận của xã hội do phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở kinh phí trang bị phần cứng, phần mềm, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ giáo viên… Cần có sự đồng bộ, hệ thống trong trang bị phần mềm để bảo đảm liên thông dữ liệu trong từng trường và trong toàn ngành Giáo dục.
“Hiện, nhà trường không có cán bộ chuyên trách về CNTT. Do đó, cần biên chế nhân viên chuyên trách CNTT trong trường học là ý kiến tôi muốn đề xuất. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong được bố trí thêm kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tránh giao việc mà không giao thêm kinh phí. Đồng thời, có sự chỉ đạo thống nhất từ sở GD&ĐT trong trang bị phần mềm để bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, liên thông dữ liệu”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ.