Đồng thời, điều chỉnh bổ sung vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho hai dự án. Trong đó, dự án đáng chú ý là Dự án thành phần 5 - Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) là 497 tỷ đồng; kế hoạch đầu tư công năm nay của dự án sau khi điều chỉnh là 748 tỷ đồng, tăng khoảng 251 tỷ đồng.
Ngày 13/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, mục tiêu phát triển đến năm 2030, dự kiến tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện đầu tư giai đoạn 1 Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km 19+00 - Km 53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô hai làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km 19+00 - Km 53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng chiều dài là 32,5 km với điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc và điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La.
Quy mô đầu tư chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thiết kế, xây dựng tuyến đường với tốc độ thiết kế 80 km/h, những đoạn có địa hình khó khăn có tốc độ thiết kế 60 km/h.
Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn đã đề xuất thực hiện xoay trục hướng ra sông Đồng Nai, khai thác lợi thế của dòng sông để phát triển đô thị Biên Hòa.
TP Biên Hoà được định hướng trở thành trung tâm hành chính tập trung phát triển dịch vụ đô thị, du lịch sinh thái ven sông, y tế và giáo dục. TP Biên Hoà cũng là một trong 4 đô thị động lực của tỉnh với chức năng chính là trở thành khu đô thị tập trung phát triển dịch vụ, du lịch kết hợp cảnh quan xung quanh sông Đồng Nai.
Với định hướng trên, đơn vị tư vấn cũng đề xuất không gian phát triển mới cho đô thị Biên Hoà theo hướng xoay trục, phát triển hướng ra sông Đồng Nai.