(GDTĐ) - Trong ngày đầu triển khai chính quyền địa phương hai cấp (1/7/2025), có một bức thư thú vị và sâu sắc đã được lan truyền thể hiện khát khao, hy vọng trong hành trình mới của một công dân hòa chung với khát vọng của đất nước, cũng là của một người quản lý giáo dục tận tâm với người, với nghề. Giáo dục Thủ đô xin gửi tới bạn đọc bức thư này:
Thư gửi các thầy cô giáo của hai mươi năm sau!
Các thầy cô yêu quý!
Tôi là Nguyễn Lan Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, phường Bạch Mai, Hà Nội. Tôi viết thư này gửi các thầy cô - những đồng nghiệp trân quý và đồng thời gửi cho chính tôi của tương lai. Bức thư trong một ngày cuối tháng sáu rực lửa của đất trời và sục sôi những khát khao, hy vọng của lòng người khi đứng trước những đổi thay chưa từng có của đất nước.
Nghề của chúng ta, trồng người như trồng cây. Hai mươi năm có lẽ là một khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn thấy thành quả của chính mình vun xới. Các thầy cô của tương lai thế nào? Học trò của chúng ta ra sao? Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng…!
Những lớp học với không gian và trang thiết bị hiện đại? Những trợ giảng robot?…
Hẳn rằng không chỉ có vậy!
Ở đó, trường học là nơi thực sự hạnh phúc. Những đôi mắt tò mò, khám phá của các em học sinh sẽ dễ dàng bắt gặp; những giờ học vui thích sẽ luôn diễn ra hàng ngày,…Không còn việc chạy đua vào trường điểm mỗi kỳ tuyển sinh bởi trường học ở đâu cũng chất lượng. Không còn thấy cảnh phụ huynh đôn đáo lo cho con học thêm, giáo viên lo đi dạy thêm bởi việc học ở trường đã là rất đủ, bởi nội dung giảng dạy đã được tinh gọn, đúng mục tiêu, bởi giáo viên đã sống được bằng đồng lương của mình. Những bảng thành tích trong nhà trường đã lùi xa và nhường chỗ cho những giá trị, nơi mỗi em học sinh thực sự có môi trường phát triển theo năng lực riêng và được đánh giá bằng sự tiến bộ so với chính mình,…
Chúng tôi biết rằng tương lai là kết quả của những cố gắng trong hiện tại. Trước làn sóng khoa học công nghệ, những đứa trẻ của hôm nay đang rất cần được chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mai sau. Đó là sự sáng tạo và khả năng thích ứng. Chúng tôi biết rằng mọi sự chậm trễ đều phải đánh đổi bằng cái giá rất đắt trong tương lai. Chúng tôi không thể ung dung được nữa, phải dấn thân vào hành trình mới để có thể chạm tay đến giấc mơ!
Nếu có ai đó hỏi tôi về những khoành khắc đáng nhớ trong nghề, đó sẽ là một thước phim hiện lên trong tâm trí tôi. Thước phim với hình ảnh một em học sinh nam cao lớn tay ôm khư khư một sản phẩm STEM như báu vật với gương mặt rạng ngời. Thước phim với tiếng reo hò của học sinh khi các em có những khám phá thú vị. Thước phim với nụ cười mãn nguyện của đồng nghiệp khi thực hiện một tiết dạy không tập luyện trước cho học sinh. Thước phim với hình ảnh một em học sinh đặc biệt của trường tự hào bước lên bục nhận giải nhất trong một Dự án sáng tạo. Thước phim với sự dẫn dắt nhiệt thành của thầy giáo tôi, giọt mồ hôi của các đồng đội tôi trong những hoạt động đổi mới giáo dục khoa học, công nghệ,… Tất cả là động lực cho tôi bước tiếp. Tôi khát khao thước phim nhỏ bé của mình sẽ được nối dài trong hành trình hai mươi năm tới và xa hơn thế… Các thầy cô ạ, hẹn ngày ta gặp nhau ở tương lai, mỗi người trong chúng ta sẽ có một cuộn phim thật dài và thật đẹp…cho riêng mình.
Tôi hỏi Chat GPT rằng: “Nghề giáo viên có thể bị thay thế bằng robot trong tương lai hay không?” Và câu trả lời nhận được là: Chúng ta có thể bị thay thế ở một số khía cạnh nhất định nhưng không thể hoặc khó có thể thay thế ở khía cạnh: cảm xúc, sự thấu cảm, truyền cảm hứng, đạo đức, nhân cách,…Thì ra điều giúp nghề nghiệp của chúng ta tồn tại ở tương lai lại chính là trái tim của chúng ta. Nhưng đó phải là những trái tim thật tâm với nghề, với trẻ, giàu nhiệt huyết, sẵn sàng thay đổi bản thân và cống hiến phải không?
Các thầy cô của tương lai thân mến! Những ngày này, khắp nơi trên đất nước chúng ta vang lên câu hát:
“Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hoà bình
Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh
Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ Quốc kỳ tung bay phấp phới.”
(“Viết tiếp câu chuyện hoà bình”- Nguyễn Văn Chung)
Chúng tôi của hôm nay sẽ viết tiếp câu chuyện ấy như thế nào? Để hai mươi năm sau, gặp lại chính mình, nhìn hàng cây, cánh rừng ta đã trồng, ngập trong mắt chúng ta là màu xanh bát ngát trải dài tới tận chân trời….