(GDTĐ) - Cuộc sống vội vã, ít ai để ý những khoảnh khắc bình dị, đầy thân thương quanh mình để rồi khi mệt mỏi, muốn sống chậm lại ta thấy tiếc nuối điều đã qua.
Bởi vậy, hãy trân trọng những người ta đã gặp, biết ơn họ khi đã là một phần nhỏ trong ký ức cuộc sống của mình và cuốn sách “Thư thả sống” cũng vậy.
Những ngày cuối năm kéo theo các cơn mưa phùn báo hiệu mùa Xuân – trong mỗi người Việt sẽ cùng nhau đón cái Tết ấm cúng cùng gia đình. Tết cũng là lúc ta sống chậm lại, cùng nhìn lại quãng thời gian một năm đã qua mình đã làm gì, đã sống như thế nào.
Thay vì chọn cho mình những chuyến du xuân nơi xa để được tận hưởng, khám phá những điều mới lạ ở đó. Nhiều người lựa chọn về chốn bình yên là gia đình, cùng nhau sắm sửa Tết, cùng người thân yêu ăn bữa cơm Tất niên để thấy cuộc sống được chậm lại, bình yên như ngày tuổi thơ.
Hay những câu chuyện về tuổi học trò, áp lực thi cử thành tích thay vì dùng cách nhẹ nhàng, tạo động lực con người lại đưa ra quy luật để tạo nên cuộc đua tranh, thành tích…
Hai vấn đến trên là trong số những câu chuyện có trong cuốn sách sẽ khiến người đọc phải khựng lại và đặt ra nhiều câu hỏi liệu cuộc sống hàng ngày liệu mình có vội vã bỏ quên những thứ bình dị nhưng thân thương không?
Cuốn “Thư thả sống”, chính là những lát cắt nhỏ, ghi lại khoảnh khắc trong đời thường, bất kể trong chúng ta ai cũng sẽ nhìn thấy một góc nhỏ hay kỷ niệm của mình trong đó. Cuốn sách như nhắc nhở ta phải sống chậm lại, không nên vì những áp lực cuộc sống khiến chúng ta mất đi những trải nghiệm, những khoảnh khắc bình dị nhưng khi đi qua lại thèm khát vô cùng.
Thay vì lựa chọn góc nhìn “độc lạ”, hai tác giả Trần Kim Liễu và Lê Hoàng Oanh đã chọn lối viết bình dị, gần gủi để gửi đến độc giả, nó là những góp nhặt các câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày, là những điều bình dị mà đôi khi bị chúng ta bỏ quên.
Cuốn sách ra đời như nhắc nhở mỗi người hãy trân trọng những điều đã và đang có, đừng vì những mục tiêu đặt ra cho bản thân mà cố gắng ép buộc mình, cũng cần dành một góc nhỏ trong quỹ thời gian của mình để dành cho bản thân.
Hay thay vì đưa ra những quy luật khắt khe, hãy dùng những lời động viên chân thành để đối phương có thêm động lực phấn đấu, thực hiện để từ đó biến áp lực thành động lực.
Tản văn “Thư thả sống” gồm có 3 phần, trong đó, Phần I: Tìm lại chính mình; Phần II: Mở lòng với những người xung quanh; Phần III: Gần gũi với thiên nhiên. Đây những câu chuyện nhỏ xinh được hai tác giả chia sẻ trải nghiệm sống và hành trình thực hành yêu thương của mình, đó là sự lắng nghe, thấu hiểu bản thân, mở lòng đón nhận để hòa hợp với vũ trụ, từ đó hiểu và cảm nhận rõ hơn về quy luật “cho đi nhận lại yêu thương”.