Quy trình đấu thầu mua sắm vật tư nghiên cứu khoa học được thiết kế nhằm đảm bảo minh bạch, nhưng lại vô tình trở thành rào cản...
Rào cản này có thể khiến nhiều đề tài chậm tiến độ, thậm chí “chết yểu”. Các nhà khoa học phải dự toán trước nguyên vật liệu dù chưa thực sự biết mình cần gì, dẫn đến tình trạng thiếu - thừa, gây lãng phí và cản trở sáng tạo.
Tiến sĩ Đ.N.N. ví von, làm khoa học giống như nấu một món ăn ngon. Nếu người nấu tìm được nguyên liệu mới, phối trộn chúng hợp lý với các thành phần khác thì sẽ trở thành công thức độc quyền. Người chế biến ra món ăn lúc đó sẽ thoả mãn và tự hào với sản phẩm của mình. Ngược lại, nếu chỉ đóng khung nguồn nguyên liệu trong dự toán, khoa học sẽ khó có nhiều điều mới.
Khoảng 5 năm trước, Tiến sĩ Đ.N.N. (giảng viên một đại học tại TPHCM) được duyệt và cấp kinh phí gần 2 tỷ đồng cho nghiên cứu mới trong lĩnh vực y sinh học. Đề tài được giao thực hiện trong hơn 2 năm.
Kinh phí này cũng giống như nhiều đề tài khoa học dùng ngân sách khác được chia thành hai phần chính gồm mua vật tư, hóa chất và trả công lao động. Chi phí mua vật tư chiếm khoảng một nửa kinh phí đề tài (hơn 800 triệu đồng). Theo quy định, các đề tài có chi phí vật tư trên 100 triệu đồng phải thực hiện đấu thầu. Quy định này nhằm tăng tính minh bạch, phòng tránh tiêu cực trong trường hợp đơn vị thực hiện kê khai không trung thực các vật tư, nguyên liệu nhằm thu lợi bất chính. Song, nó lại vô tình đẩy nhà khoa học vào thế “phải dự toán những thứ mình chưa từng làm”.
Trong thuyết minh đề tài, Tiến sĩ N. dự kiến số lượng, chủng loại, đơn giá... các vật tư tiêu hao như hóa chất, nguyên vật liệu cho các thí nghiệm khoa học. Hội đồng thẩm định chuyên môn, tài chính sẽ thống nhất và cơ quan chủ quản (đơn vị cấp kinh phí) duyệt, sau đó giao cho cơ quan chủ trì (đơn vị thực hiện) làm thủ tục đấu thầu công khai theo quy định.
Trong thời gian chờ đấu thầu, Tiến sĩ N. chỉ có thể thực hiện một số công việc chuẩn bị như kiểm tra máy móc, tuyển cộng tác viên và lên kế hoạch sơ bộ. “Làm những việc này nhưng chúng tôi luôn trong tâm trạng ngóng vật liệu. Sau 6 tháng, nhà thầu mới cung cấp những mẻ nguyên liệu cho nhóm nghiên cứu làm các thí nghiệm đầu tiên”, nữ Tiến sĩ bộc bạch.
Tuy nhiên, rắc rối cũng nảy sinh từ đó. Những thí nghiệm Tiến sĩ N. thực hiện chưa thành công bị hết hóa chất, khác với tính toán ban đầu. Có thí nghiệm về tạo môi trường nuôi cấy tế bào cần loại hóa chất mới lại không có trong dự toán. Trong khi, một số thí nghiệm chỉ làm vài lần có kết quả và hóa chất cho phần này bị thừa.
Vừa làm thí nghiệm, Tiến sĩ N. phải tìm cách đổi một số hóa chất, vật tư còn dư sang loại phù hợp để tiếp tục thực hiện các thí nghiệm chưa thành công. Đây là việc không đơn giản do phải trao đổi thông qua đơn vị cung ứng và các nhóm nghiên cứu khác. Chị phải tìm hiểu giá, chủng loại để tính toán số tiền, loại hóa chất, vật tư sao cho phần được đổi tương ứng với hóa chất, vật tư đổi.
Tiến sĩ N. nêu ví dụ trong một dự án, vật tư gồm có hóa chất A, giá 10 đồng mỗi lọ. Trong dự toán, chị sẽ làm thí nghiệm 10 lần sẽ thành công, tương đương tổng trị giá vật tư 100 đồng. Nhưng thực tế, khi thực hiện tới 7 lọ đã cho kết quả thành công. Chị nói với nhà cung ứng xin đổi hóa chất A bằng hóa chất B có số lượng nhiều hơn hoặc ít hơn nhưng phải trong mức tương đương giá trị nêu trong dự toán. Nếu vật tư mới có giá trị cao hơn, chị phải tự bỏ tiền bù vào.
Trong trường hợp hóa chất trong dự toán không phù hợp với điều kiện thí nghiệm hoặc không mua được ngay, nhóm nghiên phải liên hệ, trao đổi với các nhóm nghiên cứu khác. “Rất mệt mỏi khi phải suy nghĩ, tính toán chi li cho từng lọ hóa chất”, Tiến sĩ N. tâm sự. Tuy nhiên, lượng hóa chất có thể đổi được cũng rất ít vì phải đáp ứng điều kiện phổ biến. Tổng thể trong đề tài vật tư hóa chất tăng lên khoảng 20% so với dự toán. Phần lớn vật tư, hóa chất nằm ngoài dự toán, đặc biệt là những hàng hóa đặc thù, chị buộc phải mua bên ngoài để không ảnh hưởng tiến độ.
Theo quy định, những vấn đề phát sinh trong thực hiện đề tài khoa học, chủ nhiệm có thể báo cáo cơ quan chủ quản thông qua các buổi thẩm định giữa kỳ. Tuy nhiên, việc thay đổi một số nội dung trong dự toán là rất khó hoặc mất rất nhiều thời gian vì phải làm các thủ tục, xét duyệt bởi cấp trên. Điều này trực tiếp làm ảnh hưởng tiến độ nghiên cứu.
Ở góc độ kết quả, việc thiếu hoặc không có nguyên liệu đúng dùng cho thí nghiệm khiến nhà khoa học thiếu cơ sở củng cố luận cứ. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. Tiến sĩ Đ.N.N. lấy dẫn chứng, khi đầy đủ nguyên liệu có thể ra kết quả với 10 chỉ tiêu, nhưng do thiếu hoặc nguyên liệu không phù hợp chỉ đánh giá được 7.
Những chỉ tiêu bị thiếu có tính quan trọng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đề tài. Chị không muốn bỏ qua cơ hội đó nên quyết định bỏ tiền tự mua sắm những hóa chất phát sinh để thỏa đam mê. Việc mua sắm này chị không lấy hóa đơn vì biết rằng nó không nằm trong dự toán. Chị coi như đây là “học phí” cho khoa học.
Tương tự, một giảng viên tại TPHCM, Tiến sĩ H.N.M. cho biết thêm, một bất cập khác trong đấu thầu mua sắm nguyên liệu, hóa chất là nhà khoa học phải làm dự toán mua trọn gói trong suốt thời gian thực hiện đề tài. Điều này ảnh hưởng đến nghiên cứu do nguyên vật liệu hóa chất là dạng vật tư tiêu hao, tức chỉ sử dụng một lần và có hạn sử dụng.
Với đề tài 3 năm, hóa chất mua năm đầu sẽ không đảm bảo chất lượng cho năm thứ ba, chưa kể một số loại cần bảo quản đặc biệt và có hạn sử dụng. Ngoài ra, với những nguyên liệu đặc thù ít nhà cung cấp trên thị trường hoặc phải đặt mua nước ngoài càng khó khăn cho nhà khoa học. Khi không có nhà thầu phù hợp hoặc không đáp ứng tiêu chí đề ra, theo quy định phải tổ chức đấu thầu lại tốn rất nhiều thời gian.
Ngoài nguyên vật liệu, theo Tiến sĩ M., các mua sắm về cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu cũng phải thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, đây là loại tài sản vô hình, khó định giá nên rất khó thực hiện. Ông nhận định, vướng mắc thủ tục đấu thầu khiến đề tài bị chậm tiến độ. Trong khi cùng thời gian này, một nhóm nghiên cứu khác thực hiện đề tài tương tự và đăng ký bản quyền. Khi đó các nghiên cứu đang triển khai mất đi tính mới và tầm ảnh hưởng.
Từng làm thư ký nhiều hội đồng nghiệm thu đề tài, Tiến sĩ M. cho rằng, kết quả nghiên cứu chỉ là một phần để đánh giá. Bởi các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều hiểu rằng, để có được kết quả nhà khoa học cũng rất chật vật với thủ tục hành chính. Do vậy, ngoài chất lượng, việc nghiệm thu các đề tài còn phụ thuộc vào yếu tố hợp lý, đúng quy định của hồ sơ giấy tờ. “Đề tài đa phần đạt yêu cầu nhưng chất lượng bị ảnh hưởng bởi các thủ tục rườm rà”, ông nói.
Thủ tục đấu thầu được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đề tài nghiên cứu khoa học rơi vào tình trạng “chết yểu”. Nhiều dự án ngắn hạn, chỉ kéo dài khoảng một năm, nhưng khi chưa kịp hoàn tất quá trình đấu thầu thì thời gian nghiên cứu đã hết, dẫn đến tình trạng thiếu vật tư. Ngay cả những đề tài kéo dài hai năm, thủ tục đấu thầu cũng thường chỉ hoàn tất vào cuối năm thứ hai, gây khó khăn trong triển khai.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm - nguyên Trưởng phân Viện Điện tử - Tin học và Tự động hóa (Bộ Công Thương) đánh giá, nghiên cứu luôn tiềm ẩn rủi ro, vì nhà khoa học đi tìm những điều chưa biết. Việc này có thể hình dung như dùng robot khoan ngầm, không thể biết được dưới lòng đất mềm, sụt lún hay gặp tảng đá. Chỉ khi biết được vấn đề, nhà khoa học mới bắt tay vào giải quyết. “Tuy nhiên, người nghiên cứu phải đấu thầu vật tư, nguyên liệu từ đầu là trái với logic khoa học”, PGS Lâm nói và đề xuất thủ tục mua sắm nguyên vật liệu cơ quan quản lý cần giao lại đơn vị nghiên cứu tự thực hiện, theo yêu cầu thực tế của họ, giúp nhà khoa học chủ động hơn.
GS Đào Văn Lượng - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho rằng, việc bám sát kế hoạch và dự toán quá chặt chẽ sẽ kìm hãm sự sáng tạo của các nhà khoa học. Trong nghiên cứu, thất bại ở một hướng có thể mở ra thành công ở một hướng khác, do đó cần có cơ chế linh hoạt hơn. Nhiều nhà khoa học khác đề xuất nên loại bỏ quy định đấu thầu nguyên vật liệu, máy móc đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó, đấu thầu là một quy trình phức tạp, không phù hợp với đặc thù nghiên cứu.
Bất cập trong đấu thầu được gỡ khi Nghị quyết về thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được Quốc hội thông qua, có hiệu lực ngày 19/2 vừa qua. Theo đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận.
Ủng hộ chủ trương này, Tiến sĩ Đ.N.N. nhận định, hình thức khoán chi sẽ giúp nhà khoa học được chủ động mua sắm nguyên vật liệu, giúp họ tập trung, dồn tâm huyết vào nghiên cứu, không bị phân tâm bởi các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, nữ Tiến sĩ cho rằng, dù cơ chế thông thoáng, nhà khoa học phải nâng cao tính trách nhiệm bằng việc mua sắm vật tư, hóa chất có hóa đơn, chứng từ minh bạch, rõ ràng. Hội đồng nghiệm thu có vai trò giám sát nghiên cứu thông qua đánh giá định kỳ về tiến độ cũng như những thay đổi khi mua sắm nguyên vật liệu phục vụ thẩm định kết quả cuối cùng. Nhà khoa học đề xuất những thay đổi trong quá trình thực hiện đề tài vẫn phải có những lý giải, có cơ sở khoa học để được hội đồng chấp nhận. Việc tuyển chọn thành viên hội đồng và tính trách nhiệm của họ cần phải được nâng cao hơn trước.
Để cơ chế khoán chi đi vào cuộc sống giúp nhà khoa học tập trung nghiên cứu, các bộ luật chuyên ngành cần sớm được sửa đổi để đồng bộ với nghị quyết, theo TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông đánh giá, thực tế Luật Khoa học và Công nghệ 2013, các nghị định, thông tư hướng dẫn đã có cơ chế cho phép khoán chi trong thực hiện các đề tài khoa học.
Tuy nhiên khi thực hiện các cấp quản lý cho rằng các văn bản hướng dẫn dưới dạng nghị định, thông tư không thể vượt qua Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cơ chế khoán chi vẫn bị “giậm chân tại chỗ” nhiều năm qua. Ông Nguyễn Quân tin tưởng, nghị quyết mang tính thí điểm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ vừa được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội làm cơ sở để các cơ quan quản lý sửa đổi luật trong thời gian sớm nhất.
Nghị quyết về thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được thông qua, các nhà nghiên cứu không phải đi đấu thầu từng vật liệu, thiết bị, liệt kê từng chi phí để thực hiện nhiệm vụ. Họ sẽ được thanh toán toàn bộ theo sản phẩm đầu ra theo hình thức khoán chi.
Quy định này giúp nhà khoa học có thể toàn tâm cống hiến, không bị vướng bận những quy định quản lý hành chính rườm rà, và quan trọng nhất là tránh được những rắc rối pháp lý nếu thực hiện không đúng quy trình.